“Om sòm trên vách, bức tranh gà”

Nhắc tới tranh Tết ngày xưa, từ dòng tranh dân gian Đông Hồ - Kim Hoàng tới Hàng Trống, chẳng ai quên được hình tượng con gà. Trong câu thơ nổi tiếng của cụ Tú Xương, chỉ một “bức tranh gà” cũng đã đủ làm nên bầu không khí Tết “om sòm” rộn ràng, ấm áp cho muôn nhà. Xuân Đinh Dậu 2017 đã về bên ngưỡng cửa, gà lại trở thành nguồn cảm hứng để những họa sĩ nổi tiếng - những cộng tác viên thân thiết của Nhân Dân hằng tháng cầm cọ. Để chuyển tải những lời chúc tốt đẹp nhất tới đông đảo bạn đọc gần xa. Để gửi gắm những ước mơ về một năm mới “an khang - thịnh vượng” đến với mọi gia đình.

Họa sĩ Thành Chương:

“Om sòm trên vách, bức tranh gà” ảnh 1

“Xuân 2017 ghi dấu mốc trọn một vòng hoa giáp 60 năm, tính từ khi tôi vẽ Đôi gà tồ - bức tranh đã mang lại giải Vàng trong Triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh và đóng đinh cái biệt danh Chương “gà tồ” cho tác giả. Bức tranh gửi tặng Nhân Dân hằng tháng trên đây nằm trong số 60 tác phẩm, sẽ ra mắt công chúng trong dịp sinh nhật tôi (ngày 20-1-2017) với chỉ một nhân vật - gà xuyên suốt. Với tôi, vẽ cái gì cũng chỉ là cách mượn đề tài để chuyển tải xúc cảm của chính mình. Vì vậy, gà trong tranh tôi cũng có vui, có buồn, có cảm xúc như chính người họa sĩ đã sáng tạo ra nó. Gà mang ý nghĩ đánh thức tiềm năng, ẩn chứa sự thức dậy. Gà là biểu tượng cho hạnh phúc, sum vầy, gợi sự sinh sôi, nảy nở. Gà không những vô cùng gần gũi với con người mà còn chuyên chở rất nhiều ý nghĩa nhân sinh. Qua những con gà Đinh Dậu này, tôi mong ước sẽ là một năm hạnh phúc, ấm áp và đoàn tụ của mọi nhà và rộng hơn là của một đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy tinh thần đoàn kết vượt khó”.

Họa sĩ Phạm An Hải:

“Om sòm trên vách, bức tranh gà” ảnh 2

“Trong bức tranh gà Đinh Dậu này, tôi chọn họa tiết Như Ý - những xoáy tròn âm dương vốn gắn liền với con gà Đại Cát của dòng tranh Đông Hồ để thể hiện. Đây cũng là tác phẩm vẽ gà hiếm hoi mà tôi chọn phong cách hiện thực, trong dòng chảy nhiều năm theo đuổi bút pháp trừu tượng của mình. Ước mong một năm mới Đại Cát - Như Ý sẽ đến với mọi gia đình Việt, đó cũng chính là thông điệp mà tôi muốn chuyển tải thông qua tác phẩm tặng riêng cho Nhân Dân hằng tháng này”.

Họa sĩ Lê Trí Dũng:

“Om sòm trên vách, bức tranh gà” ảnh 3

“Với tôi, sau con ngựa, gà là con vật đẹp! Cả hai hội tụ mọi đức tính của người quân tử: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Dũng. Chẳng phải vô cớ mà từ xa xưa, cứ mỗi độ Xuân về, tranh Tết Đông Hồ lại rực rỡ sắc mầu trên giấy điệp, với gà Đại Cát được treo trước cửa như một vị thần báo điều lành, với bộ tranh Vinh Hoa - Phú Quý thông qua hình tượng em bé ôm gà vịt để cầu mong hạnh phúc an lành. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam còn coi gà như biểu tượng của Tự do, khi tiếng gáy của nó gọi mặt trời lên và xua đi đêm tối. Đó cũng chính là lý do tôi chọn thể hiện chú gà trống oai hùng, với vầng mặt trời đỏ ối trên đầu trong bức tranh Tết này”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:

“Om sòm trên vách, bức tranh gà” ảnh 4

“Từ muôn kiếp nay, con gà chưa bao giờ lãng quên trách nhiệm thiên bẩm của mình. Đó là báo một ngày mới đã sang, khi mặt trời bắt đầu lên. Chiều về, mặt trời đã lặn, bố mẹ con cái lục tục kéo nhau về chuồng và kết thúc ngày làm việc. Một ngày đi qua - điều kỳ diệu của đất trời đã kết thúc trọn vẹn. Xuân Đinh Dậu này, tôi chọn thể hiện một gia đình gà ấm cúng. Với gà mẹ và một đàn con như những cục tơ vàng liếp chiếp vây quanh, bên cạnh là chú gà trống hùng dũng ngẩng cao đầu, đứng hiên ngang như khẳng định đủ tư thế bảo vệ cả gia đình hạnh phúc, đầm ấm của mình. No ấm, đủ đầy, bình yên, sum họp là những mong mỏi thiết tha mà tôi gói ghém trong bức tranh này, cho mọi người và cho cả chính mình”.

Họa sĩ Phạm Hà Hải:

“Om sòm trên vách, bức tranh gà” ảnh 5

“Xuân Đinh Dậu đã về, mọi người đều hào hứng hướng đến những điều tốt đẹp, những vận hội mới trong năm gà. Giới họa sĩ thường chọn cách phóng bút giao hòa với hình tướng gà đa sắc (đa phần là gà trống) để phô bày những vẻ đẹp, ngợi ca những khí tiết vốn có đại diện cho đức khôi nguyên, đại cát, uy vũ và khai dương.

Là một họa sĩ theo đuổi phong cách trừu tượng, tôi thường chọn cách tư duy mang tính liên tưởng. Trong tranh dân gian Đông Hồ, tôi rất thích bức tranh “gà đàn”. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tình mẫu tử trong hình tượng sum vầy gà mẹ - gà con ấy, tôi chợt nghĩ tới truyền thuyết “bọc trăm trứng”. Bộ tranh “Mẹ Âu Cơ”, với 100 đơn vị tranh độc lập (kích thước 30x25cm) của tôi đã ra đời trong tâm thế ấy. Tình mẹ con, lòng hiếu thảo là nền tảng cho hình tượng quả trứng - ổ rơm, là sự kết tinh từ hai đấng sinh thành trao truyền cho những đứa con. Tác phẩm như một thông điệp chúc phúc của họa sĩ gửi đến mỗi người, về lòng biết ơn, sự chia sẻ, vẻ đẹp từ truyền thống di sản trao truyền lại cho hậu thế”.