Nhân lực ngành mỹ thuật

Vẫn là bài toán khó giải

Đặt sang một bên nguồn lực là giới sáng tác, trong lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển là mỹ thuật hiện nay, tồn tại rất nhiều vấn đề nan giải về nguồn nhân lực ở hầu hết các phần công việc còn lại để đưa tác phẩm tới công chúng và thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh Gặp nhau của họa sĩ Mai Văn Hiến trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (bên trái) và bức tranh "Gặp gỡ" (được đề cập trong bài viết này), ảnh chụp ngày 14/7/2023.
Bức tranh Gặp nhau của họa sĩ Mai Văn Hiến trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (bên trái) và bức tranh "Gặp gỡ" (được đề cập trong bài viết này), ảnh chụp ngày 14/7/2023.

Lời giải của trăm năm?

Mới đây, chúng tôi đã có chuyến thăm một bảo tàng mỹ thuật tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, được khai trương và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2023 theo Quyết định cấp phép của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố. Giá vé tham quan dành cho người lớn ở đây không hề thấp: 200 nghìn đồng.

Giữa hàng trăm bức tranh, tượng, đồ đồng, đồ gốm được bày san sát nhau, không rõ ràng theo một trật tự nào, chúng tôi nhận thấy có ít nhất hai bức tranh gần như trùng khớp thông tin về tác giả, năm sáng tác, chất liệu với… tranh thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện được giới thiệu tại khu vực trưng bày cố định, duy trì từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến nay.

Bức thứ nhất: Thuyền trên sông Hương của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954), sơn dầu, 50x65 cm, vẽ năm 1935, theo thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; còn tại bảo tàng tư nhân này, bức tranh có cùng tên nhưng kèm ghi chú tiếng Anh: "oil on canvas, 50x65 cm, 1965" (sơn dầu trên vải, 50x65cm, vẽ năm 1965) (?). Bức thứ hai: Gặp nhau của họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2006), bột mầu, 59x92,6 cm, vẽ năm 1954, theo thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; còn tại bảo tàng này, bức tranh có tên "Gặp gỡ", kèm ghi chú tiếng Anh: "Gouache on paper, 59,5x93,8 cm, 1954" (bột mầu, 59,5x93,8 cm, vẽ năm 1954). Đứng trước hai cặp tranh này, người ngoài chuyên môn mỹ thuật khó mà phân biệt được đâu là bản gốc, đâu là phiên bản có xác nhận của tác giả hay là bản sao chép/tranh giả.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bảo tàng duy nhất về chuyên ngành nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia. Đây là một bảo chứng quan trọng để xác tín các hiện vật tại Bảo tàng. Thêm nữa, riêng về họa sĩ Mai Văn Hiến, sinh thời, ông là người có trọng trách tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, cơ quan rất gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nên chắc chắn, ông biết rõ lai lịch bức tranh của mình được lưu giữ tại đây. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, nguyên cán bộ sưu tầm của Bảo tàng, hai hiện vật nói trên của Bảo tàng thuộc giai đoạn sưu tập đầu tiên và có đầy đủ lý lịch tác phẩm.

Qua trao đổi với đại diện của bảo tàng tư nhân nói trên, được biết, bức tranh Thuyền trên sông Hương do chủ nhân bảo tàng mua từ phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Công (Trung Quốc), tháng 5/2016. Nhưng thời gian đó, hiện vật đấu giá này từng gây tranh cãi rằng là "tranh thật" hay "tranh chép". Theo bài viết trên trang thông tin trực tuyến của Quỹ Nghệ thuật xưa (nghethuatxua.com), xuất bản vào tháng 12/2016, đại diện Quỹ này đã khẳng định với ông Eric Chang - chủ nhiệm phiên đấu giá và ông J.F.Hubert - chuyên gia thẩm định cho phiên đấu, rằng hiện vật tại phiên đấu là bản sao chép bức tranh thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi bác bỏ ý kiến trên rồi trực tiếp đi thăm bức tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cả ông chủ nhiệm và vị chuyên gia ấy đều "cho rằng, bức đăng bán tại Christie’s được chính tác giả chép lại" (?!). Hiện vật này có giá gõ búa là 437.500 dollar Hồng Công (khi đó tương đương 56.605 dollar Mỹ), chưa kể thuế, phí để mang về Việt Nam.

Tại thời điểm khai trương, trên truyền thông, một cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố nhận định, bảo tàng mỹ thuật tư nhân này có "bộ máy nhân sự am hiểu chuyên môn". Nhưng trước thông tin có phần bất lợi cho xác tín về nguồn gốc của hai bức tranh nói trên, đặc biệt là về quy cách trưng bày cũng như việc đưa thông tin hiện vật đến công chúng có sơ suất khó chấp nhận, vị đại diện bảo tàng tư nhân này chia sẻ với chúng tôi rằng, tới đây, họ sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng trưng bày, tránh các sơ suất đã có. Về tình hình nhân sự liên quan, vị đại diện này cho rằng, bảo tàng là "câu chuyện của hàng trăm năm" nên vấn đề người làm chuyên nghiệp cũng cần có thời gian để giải quyết.

Cải thiện từ chính sách đào tạo đồng bộ

Trên đây chỉ là một giữa hằng hà thí dụ về sự thiếu chuyên nghiệp trong nhiều khâu đang tồn tại trong đời sống mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Tình trạng sai sót thông tin, thông tin "lập lờ", hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ và ý thức của nhân sự thực hiện/giám sát thực hiện, đặc biệt là với các bức tranh được cho là có lịch sử lâu đời, quý hiếm, có tính độc bản, có trị giá hàng tỷ đồng...

Thực tế, không phải chỉ riêng với dòng tranh có lịch sử lâu năm mà ngay trong việc kết nối các dòng sáng tác mỹ thuật mới hơn với công chúng, các vấn đề nhân sự từ nghiên cứu để đưa ra thông tin chân thực, đến bảo quản, vận chuyển, trưng bày cho các sự kiện triển lãm lớn nhỏ cũng là bài toán nan giải; lý do là không có hoặc rất thiếu người làm, không có nơi đào tạo chuyên nghiệp, không có dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm do chưa được chính thức công nhận là tài sản có thể thế chấp ở ngân hàng… Từ đây, những mập mờ thật-giả, những thông tin khoa trương nhằm tâng bốc giá trị và trị giá sáng tác mỹ thuật càng có điều kiện để tồn tại. Các sự cố bị xâm hại, gãy, nứt, vỡ, bong tróc và thậm chí mất tác phẩm trong quá trình tổ chức một sự kiện triển lãm mỹ thuật, từ cấp quốc gia đến địa phương, là chuyện "thường ngày", để lại ấm ức cho tác giả. Điển hình có thể kể đến vụ mất tranh của họa sĩ Phạm Hùng Anh, mất và vỡ tượng của tác giả Triệu Ngọc Thạch khi gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020.

Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có đào tạo chuyên ngành bảo quản, phục chế tác phẩm mỹ thuật hay giám tuyển, thiết kế trưng bày triển lãm nghệ thuật. Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật (trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có giấy phép hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng không có khách hàng. Chính vì vậy, đã đến lúc, chính sách đào tạo đồng bộ nhân lực cho ngành mỹ thuật Việt Nam cần được xem xét theo hướng toàn diện hơn, thể hiện tầm nhìn đúng đắn cho một sự phát triển thị trường mỹ thuật đúng nghĩa và minh bạch. Chính sách này phải được thiết kế và khởi sự từ các cơ sở giáo dục công lập, thể hiện tinh thần dẫn dắt và định hướng phát triển từ nhà nước và các cơ quan chức năng.