Những cánh cửa tiếp cận công chúng

Đang có ngày càng nhiều tổ chức xã hội và cá nhân nỗ lực tạo dựng sự gắn kết giữa âm nhạc cổ điển với khán giả Việt Nam, nhất là khán giả trẻ, thông qua đa dạng mô hình hoạt động. Đây là tín hiệu tích cực về một lĩnh vực nghệ thuật vốn được coi là rất kén chọn công chúng ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Các chương trình hòa nhạc ngoài trời miễn phí vào dịp cuối tuần tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dần trở nên quen thuộc với công chúng Thủ đô. Nguồn: VNFAM
Các chương trình hòa nhạc ngoài trời miễn phí vào dịp cuối tuần tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dần trở nên quen thuộc với công chúng Thủ đô. Nguồn: VNFAM

Viên gạch nền cho nguồn cảm hứng

Tất cả số lượng vé sáu đêm diễn của chuỗi hòa nhạc “Concert of Childhood Memory 2024”, do Intro Art, một tổ chức giáo dục và biểu diễn nghệ thuật, tổ chức trong tháng 7 và 8/2024, đều được bán hết. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. “Người kể chuyện”, đêm nhạc thuộc chương trình hòa nhạc Triangle Concert Series - giới thiệu những tài năng âm nhạc trẻ nổi trội của Học viện Âm nhạc Trẻ Việt Nam (VYMI), cũng đã bán hết vé từ ba ngày trước buổi diễn.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều chương trình hòa nhạc cổ điển được cho là “cháy vé”, diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thời gian gần đây. Chia sẻ sau buổi trình diễn “Người kể chuyện”, Đỗ Quang Minh, 17 tuổi, một nghệ sĩ chơi violin trong chương trình, bộc bạch: “Một số người bạn của em lần đầu tham dự một buổi hòa nhạc cổ điển và nói rằng, họ cảm thấy vô cùng hài lòng, bất ngờ. Họ tò mò về quá trình em luyện tập, thắc mắc làm thế nào một tay violin không chuyên như em có thể tập luyện và chơi được những tác phẩm khó đến vậy. Các bạn cũng bày tỏ mong muốn học chơi một nhạc cụ, cảm thấy được truyền cảm hứng từ các màn trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ”.

Bên cạnh những nỗ lực tổ chức và vận hành những sân khấu hòa nhạc cổ điển theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, sự gia tăng các sự kiện hòa nhạc mang tính chất cộng đồng, diễn ra ở ngoài trời, có lịch trình thường xuyên cũng đã xuất hiện, có thể kể đến các chương trình hòa nhạc cuối tuần miễn phí tại sân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời mang tên “Giai điệu mùa thu”, khơi gợi sự thích thú của rất nhiều bạn trẻ đang sinh sống tại Hà Nội. Những đoạn video ngắn về buổi hòa nhạc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội; nhiều khán giả đã không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra những giai điệu thân thuộc nhưng không nhớ rõ tên và bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thông tin về các buổi trình diễn hòa nhạc tương tự trong tương lai.

Các chương trình hòa nhạc mang tính cộng đồng như vậy không chỉ hướng tới mục tiêu kết nối khán giả với nghệ thuật, mà có ý nghĩa đặt những viên gạch nền móng để âm nhạc cổ điển có thể chạm được đến số đông khán giả Việt Nam. Chị Phương Vũ, phụ trách công tác giáo dục tại Viện Âm nhạc Trẻ Việt Nam nhớ lại: “Không phải ai cũng có điều kiện, kể cả địa lý lẫn tài chính, để đến nhà hát. Vậy chúng ta có thể tạo ra những không gian dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người không? Để trả lời câu hỏi ấy, năm 2022, Viện của chúng tôi từng tổ chức một buổi hòa nhạc cộng đồng tại Nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm. Hôm đó, hơn 400 em học sinh bậc tiểu học cùng người lớn đến nghe âm nhạc cổ điển trong không gian thân thuộc với họ. Các em còn có thể vừa vẽ tranh vừa nghe nhạc…”. Từ câu chuyện thực tế này, chị Phương Vũ nhấn mạnh: “Khi mở những cánh cửa khác nhau để tăng độ tiếp cận đến công chúng, sẽ có nhiều người hơn nghe âm nhạc cổ điển, độ tiếp cận cũng lớn hơn. Từ đó, ta cũng mở ra một tương lai có nhiều khán giả hơn, nhiều nghệ sĩ hơn, nhiều những nguồn cảm hứng ở khắp nơi hơn”.

Bài toán cho những người làm nghệ thuật

Bên cạnh những nỗ lực đào tạo, tạo điều kiện phát triển các tài năng âm nhạc trẻ, việc nuôi dưỡng và duy trì kết nối với khán giả trẻ cũng là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Đã xuất hiện một thế hệ khán giả trẻ trung, năng động, ham học hỏi và sẵn sàng chi trả cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm làm phong phú vốn sống và tri thức. Đây là một trong những yếu tố tạo thuận lợi để các tổ chức xã hội, các cá nhân đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả.

Theo nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc, nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam (VYO), các nghệ sĩ phải chớp thời cơ để cho thấy rằng họ đang làm một việc rất có giá trị và thu hút được các bạn trẻ. Khi nói về bộ môn âm nhạc cổ điển, không ít người vẫn còn giữ “định kiến” rằng, đây là một bộ môn nghệ thuật trừu tượng, khó hiểu, cảm giác hơi già cỗi và không có tính thời đại. Vì vậy, anh Phúc cho rằng: Một bài toán cho nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật là làm thế nào để thể hiện được tính thời đại của âm nhạc cổ điển, làm sao để chứng minh được những lợi ích mà âm nhạc cổ điển mang lại.

Những hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng là những câu chuyện có ý nghĩa truyền cảm hứng mạnh mẽ với cả người trẻ, và nghệ thuật.