Lượng hóa cách nào?

Có một mô hình đã được giới nghề xới xáo lên từ nhiều năm nay, được coi như một giải pháp khả thi từ kinh nghiệm của nhiều nước phát triển và cả một số quốc gia trong khu vực để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, song, vẫn chưa thể tìm được con đường khả thi để hiện thực hóa trong đời sống, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đó là Quỹ hỗ trợ phát triển.
Vở múa “Đối diện với vô cùng” là kết quả hợp tác thực hiện chương trình phát triển khán giả giữa Lên Ngàn, một tổ chức tư nhân về sáng tạo sản phẩm văn hóa nghệ thuật, cùng biên đạo múa Tú Hoàng và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nguồn: Lên Ngàn cung cấp
Vở múa “Đối diện với vô cùng” là kết quả hợp tác thực hiện chương trình phát triển khán giả giữa Lên Ngàn, một tổ chức tư nhân về sáng tạo sản phẩm văn hóa nghệ thuật, cùng biên đạo múa Tú Hoàng và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nguồn: Lên Ngàn cung cấp

Khó khăn lớn nhất là xác định nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Do đặc thù lĩnh vực, việc tự bù đắp thu chi là điều rất khó khả thi, nhất là khi đối tượng hỗ trợ của các mô hình quỹ, trong lĩnh vực văn hóa, được xác định là những dự án khởi nghiệp có tính chất thử nghiệm, hay như với Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được ghi cụ thể là các dự án phim độc lập- gần như đồng nghĩa với việc khó tiếp cận thị hiếu của công chúng rộng rãi. Với đề xuất trích nguồn thu từ vé xem phim hay từ các đài truyền hình, đều đang gặp nhiều vướng mắc.

Và vẫn còn một rào cản nữa đối với các dự án có mong muốn tìm kiếm nguồn tài trợ từ các mô hình quỹ hỗ trợ phát triển nếu có sử dụng một phần ngân sách của nhà nước, đó là tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Việc lượng hóa thành công của một dự án khởi nghiệp thật sự là điều không dễ. Bởi, khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, vốn luôn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố không thể đoán định. Và, như chia sẻ của một số chuyên gia văn hóa Hàn Quốc, từ bài học của họ, thì mỗi dự án thành công hay thất bại đều mang lại những giá trị, nhất là đối với quá trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm nay, Việt Nam tăng bốn bậc trong thứ hạng Đầu vào đổi mới sáng tạo so với năm 2023, từ vị trí 57 lên vị trí 53 (Đầu vào đổi mới sáng tạo gồm năm trụ cột: thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp). Vị trí tương ứng về Đầu ra đổi mới sáng tạo (gồm hai trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo) tăng bốn bậc, từ 40 lên 36.

Những con số minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các thành phần sáng tạo, doanh nghiệp; song, đó cũng là những chỉ số cho thấy cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là trong hoàn thiện thể chế và nguồn lực hỗ trợ, để hệ sinh thái khởi nghiệp có thể lan tỏa và phát triển đồng đều, huy động tối đa tiềm năng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.