Phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa

Khó nhiều bề

Ở hầu hết các cơ quan lưu trữ, nghiên cứu, quản lý văn hóa từ cấp quốc gia đến địa phương, hiện mới chỉ từng bước số hóa các tài liệu lưu trữ, phân loại thống kê để hệ thống hóa tư liệu qua các đầu mục biểu ghi, tiến tới chia sẻ nội bộ. Thực tế đó cho thấy, từ định hướng đến triển khai thực chất, tiến tới đồng bộ và xây dựng, chia sẻ được dữ liệu lớn vẫn là một khoảng cách dài.
Dự án Myson Metaverse, số hóa hình ảnh Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, mở không gian thực tế ảo có tương tác, với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Ảnh: VR360
Dự án Myson Metaverse, số hóa hình ảnh Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, mở không gian thực tế ảo có tương tác, với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Ảnh: VR360

Thiếu nhiều nguồn lực

Viện Phim Việt Nam là cơ quan quốc gia về lưu trữ hình ảnh động. Hiện nay, kho phim của Viện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Năm 2015, Viện đầu tư hệ thống số hóa phim nhựa độ phân giải 2K và tính trung bình mỗi năm, Viện tiến hành số hóa được khoảng 600-700 cuốn. Như vậy, sẽ cần đến... hơn 100 năm để có thể số hóa toàn bộ số phim nhựa nói trên. Được biết, năm 2005, lần đầu tiên, Viện Phim Việt Nam được đầu tư hệ thống thiết bị in chuyển phim kỹ thuật số hiện đại. Trung bình một năm hệ thống in chuyển được khoảng 1.000-1.200 cuốn phim nhựa sang băng Betacam. Riêng với số phim nhựa tồn kho lưu trữ, Viện cũng mất khoảng 80 năm cho việc chuyển đổi này!

Thông tin nêu trên từ chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cho thấy rất nhiều điều bất cập về nguồn lực đầu tư dành cho chuyển đổi số, thiết lập cơ sở dữ liệu và tiến tới xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) trong ngành văn hóa ở nước ta hiện nay.

Một trong nhiều nhiệm vụ được giao của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Viện đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa và cung cấp thông tin trực tuyến về văn hóa, nghệ thuật quốc gia. Tuy nhiên, cả hai nguồn lực nền tảng là tài chính, nhân sự để phục vụ cho công cuộc số hóa đều gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, Viện chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, trong khi thực tế, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là một quá trình phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao.

Ở các đơn vị quản lý văn hóa cấp địa phương, việc thu thập và số hóa dữ liệu về văn hóa, như các thông tin liên quan đến di tích lịch sử văn hóa địa phương, các nghệ nhân, làng nghề, nghề truyền thống... theo phân cấp quản lý, còn nhiều khó khăn hơn. Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, thực tế hiện nay, các hoạt động thu nhận, quản lý lưu trữ, bảo quản và cung cấp các dữ liệu từ cấp Sở đến các đơn vị trực thuộc Sở; đến ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố được thực hiện theo phương pháp thủ công, dưới dạng hồ sơ, tài liệu giấy... Chính vì vậy, cho dù có nỗ lực số hóa các nguồn tài liệu lưu trữ thì đến nay, địa phương như Hà Nội cũng mới chỉ dừng lại là lưu trữ để ứng dụng trong mạng nội bộ của cơ quan quản lý, chưa thực hiện kết nối tới cấp cơ sở nên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về chia sẻ thông tin, dữ liệu. Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan trong ngành.

Cần lộ trình triển khai hợp lý

Ghi nhận ý kiến từ nhiều đơn vị đều cho rằng, việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang khai thác dữ liệu lớn về văn hóa dịch vụ du lịch rất hiệu quả. Theo Tiến sĩ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty giải pháp phần mềm Vietsoftpro, chỉ cần một cú chạm trên điện thoại thông minh có cài ứng dụng Korea Travel Guide (Hướng dẫn du lịch Hàn Quốc) và Visit Korea (Thăm Hàn Quốc) là có thông tin chi tiết về các điểm đến, lịch trình du lịch, các sự kiện văn hóa. Đây là kết quả của chương trình Smart Tourism (Du lịch thông minh) kết hợp với công nghệ và cơ sở dữ liệu di sản văn hóa để nâng cao trải nghiệm cho du khách tại quốc gia này. Nhiều ứng dụng tương tự được phát triển tại Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, các nước ở châu Âu đã cho thấy giá trị và trị giá vô tận của "mỏ vàng" dữ liệu lớn về văn hóa trong góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Riêng về di sản văn hóa, Việt Nam hiện có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia; 130 di tích quốc gia đặc biệt bên cạnh hơn 40.000 di tích khác đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Cùng với đó là gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố đã được kiểm kê, 364 di sản thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với tổng số 167 bảo tàng (125 bảo tàng công lập và 42 bảo tàng ngoài công lập). Để số hóa thông tin tư liệu, hình ảnh từ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, quý giá đó, việc ứng dụng các công nghệ mới là vô cùng cần thiết song hành việc xây dựng cơ chế thống nhất quản lý cùng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp để liên kết, chia sẻ.

"Để việc này thành công và có hiệu quả, ngoài cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, sự chuẩn hóa nền tảng các công nghệ về liên kết, chia sẻ dữ liệu, còn cần sự đầu tư về nguồn lực với lộ trình đầu tư hợp lý", Tiến sĩ Dương Viết Huy (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh.