Hai nan đề, một quy hoạch

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt, ngày 16/9/2024. Đây là cơ sở quan trọng để ngành văn hóa, thể thao thúc đẩy triển khai các giải pháp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao trong toàn quốc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, phát triển thể chất cho người dân, và tạo bệ đỡ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 18-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sáng 18-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo đó, mục tiêu phát triển cả hai mạng lưới đến 2030 được xác định là đồng bộ, hiện đại, bản sắc, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân các vùng, miền. Với tầm nhìn đến năm 2045, cả hai mạng lưới được xác định nâng tầm, phấn đấu hình thành các trung tâm trọng điểm đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Những mục tiêu, nội dung được xác định trong Quy hoạch mang tới nhiều kỳ vọng, nhất là với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Hiện thực hóa được các nội dung Quy hoạch sẽ mang tới diện mạo hoàn toàn mới cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên cả nước. Dù vậy, ngay cả với những người lạc quan nhất, thì ở thời điểm Quy hoạch được công bố, có hai phần việc lập tức được nhìn nhận như những nan đề cho con đường triển khai Quy hoạch vào thực tế.

Khó khăn lớn nhất, có lẽ là nguồn lực tài chính để triển khai. Khả năng sinh lời thấp cùng việc cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo thuận lợi, hỗ trợ thỏa đáng cho nhà đầu tư khiến cho lĩnh vực văn hóa, thể thao chưa thể trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư lớn. Mới nhất, sáng 15/10, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa-thể thao năm 2024 và giới thiệu Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố đến năm 2030, với tám lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đại diện chính quyền thành phố cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cách làm mà nhiều địa phương khác có thể tham khảo.

Nan đề thứ hai đối với sự phát triển của mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao chính là khả năng quản lý, vận hành sao cho hiệu quả. Đây là mối lo dài của ngành văn hóa, thể thao, và đang trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây, sau những kế hoạch sắp xếp lại các đầu mối đơn vị văn hóa, thể thao ở các địa phương. Vấn đề quản trị các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống, cũng đang đòi hỏi cách tiếp cận chuyên nghiệp hơn.

Dẫu còn nhiều mối lo, việc công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể coi là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực nâng chất lượng đời sống văn hóa đất nước.