Đồng cảm từ tinh thần vì trẻ em
Tháng 10/2004, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có quyền tác giả. Vì thế 12 năm trước đó, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phải giải quyết nhiều khó khăn trong vấn đề bản quyền khi việc xuất bản bộ truyện về chú mèo máy Đôrêmon (từ năm 2010 là Doraemon theo nguyên tác) thành công ngoài mong đợi, với hàng chục nghìn bản in cho mỗi tập truyện, gây chú ý ngay lập tức của cơ quan truyền thông phía Nhật Bản.
Theo lời kể của nhà văn Lê Phương Liên, biên tập viên trực tiếp làm việc với bản thảo tiếng Việt của bộ truyện, ngay sau khi quảng cáo về truyện tranh này được phát trên kênh truyền hình của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, trong đó có đoạn trích từ phim hoạt hình dựng theo nội dung bộ truyện, phía Nhà xuất bản đã nhận được thông tin có cuộc gọi từ một cơ quan báo chí Nhật Bản hỏi về nguồn cung cấp đoạn phim nói trên. Sau đó, Nhà xuất bản còn có cuộc tiếp chuyện phóng viên một nhật báo lớn của Nhật Bản, vẫn các câu hỏi về vấn đề bản quyền. Thời điểm ấy, đây là bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng nhất ở châu Á, được dịch, xuất bản tại hơn 10 nước và vùng lãnh thổ. Các phóng viên đã cung cấp cho Nhà xuất bản số điện thoại liên lạc với tác giả cùng đề nghị thúc đẩy việc giải quyết vấn đề bản quyền. “Đầu những năm 1990, chiếc điện thoại cố định là phương tiện liên lạc quốc tế duy nhất của Nhà xuất bản. Phải đợi một thời gian sau, chúng tôi mới có thể trích lợi nhuận từ việc xuất bản Đôrêmon để mua chiếc máy fax, thuê phiên dịch tiếng Anh soạn thư trao đổi với đại diện của tác giả ở Nhật Bản để trình bày về vấn đề bản quyền”, bà Liên nhớ lại.
Song song với đó, Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn nỗ lực giữ chất lượng biên dịch và hình ảnh trong từng tập truyện, tìm cách tạo đường dẫn nội dung câu chuyện, cách chuyển ngữ tên của các bảo bối của chú mèo máy để vừa bảo đảm tôn trọng bản gốc vừa có được cách thể hiện gần gũi với trẻ em Việt Nam. Điều đặc biệt, khi số lượng bản in từng tập truyện tăng cao, Nhà xuất bản quyết định hạ giá bán. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ sách lại được Nhà xuất bản tái đầu tư cho bạn đọc nhỏ tuổi thông qua việc thành lập và vận hành của Quỹ Hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em mang tên Quỹ Đôrêmon, kể từ năm 1996.
Sự ra đời của Quỹ Đôrêmon (nay là Quỹ Doraemon) được chính tác giả Fujiko F. Fujio xem như là một sự kiện có một không hai trên thế giới. Bởi theo ông, ý nghĩa của nó hết sức to lớn, lấy lợi nhuận từ việc bán sách cho trẻ em để làm công tác xã hội, khuyến khích việc đi học của chính các em. Tinh thần vì trẻ em của Nhà xuất bản Kim Đồng đã thuyết phục hoàn toàn tác giả. Trong dịp sang thăm Nhà xuất bản năm 1996, ông đã ủng hộ một tỷ đồng tiền tác quyền của ba năm (1992-1995) xuất bản truyện Đôrêmon tại Việt Nam cho Quỹ. Cùng dịp này, đã có một sự ký kết về tác quyền có lẽ là đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản truyện tranh: Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị duy nhất được quyền xuất bản bằng tiếng Việt các ấn bản Đôrêmon tại Việt Nam.
Dẫn hướng bạn đọc cùng nâng cao nhận thức về bản quyền
Theo thời gian, sự tôn trọng bản quyền và quyền tác giả trong xuất bản nói chung không chỉ dừng lại ở việc ký kết và thanh toán phí tác quyền. Một trong những vấn đề quan trọng là việc chuyển ngữ phải gần nghĩa nhất với nội dung bản gốc.
Khi internet xuất hiện và nhanh chóng tác động đến đời sống xã hội kéo theo sự xuất hiện của các trang web phổ biến truyện tranh không bản quyền, bao gồm cả bản dịch và nguyên tác. Nhiều bạn đọc có trình độ ngoại ngữ đã tìm đọc bản gốc ở các trang web này rồi trở lại “đòi hỏi” nhà xuất bản phải có bản dịch trên tinh thần tôn trọng tối đa bản gốc (?!). Bên cạnh đó, việc phổ cập ngoại ngữ và hội nhập thế giới cũng dẫn đến việc ngày càng có nhiều người trẻ tìm mua bản in gốc, đọc và so sánh với bản dịch và tạo ra các thảo luận/tranh luận về bản quyền trên nhiều diễn đàn trực tuyến và trực tiếp.
Theo anh Đặng Cao Cường, Trưởng Ban biên tập truyện tranh của Nhà xuất bản Kim Đồng, Doraemon chỉ là một trong rất nhiều bản truyện tranh được Nhà xuất bản mua bản quyền. Việc chuyển ngữ tiếng Việt của một bản truyện còn phải bảo đảm được các yêu cầu về sự phù hợp với ngữ cảnh văn hóa trong nước. “Giữa cái đúng/dịch nguyên văn và cái hay/cách Việt hóa hay, chúng tôi chọn cái đúng nhưng vẫn phải kế thừa được cái hay, cách xử lý tài tình trong văn phong, để bản dịch vừa giữ được tinh thần của bản gốc vừa vẫn gần gũi với trẻ em Việt Nam hôm nay”, anh Cường chia sẻ. Anh Cường đưa ra một thí dụ: Trong bản gốc tiếng Nhật, một bảo bối của Doraemon là chiếc “trực thăng tre” nếu dịch sát nghĩa gốc, nhưng bản tiếng Việt từ năm 1992 đã dịch thành “chong chóng tre”, gần gũi với bao thế hệ bạn đọc mà vẫn gợi hình ảnh của bảo bối nguyên gốc; vì vậy, Nhà xuất bản hiện vẫn sử dụng cách dịch này cho dù từ năm 2010, các bản tiếng Việt đã tuân thủ cam kết về bản quyền, kể cả lối đọc truyện từ phải qua trái cũng như tên của các nhân vật... Sự tuân thủ này còn liên quan cả một hệ sinh thái sản phẩm phụ trợ, phái sinh từ bộ truyện/hình ảnh nhân vật.