Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022)

Uống nước nhớ nguồn

Đất nước ta được độc lập, tự do, non sông liền dải như hôm nay, đang vững bước vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta không bao giờ quên những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước, đã hy sinh xương máu, đóng góp vật chất cho cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Y, bác sĩ Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) thăm khám cho thương binh.
Y, bác sĩ Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) thăm khám cho thương binh.

Tiếp nối và thấm sâu truyền thống đạo lý của dân tộc ta là “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, các tầng lớp nhân dân ta từ bắc chí nam đã sáng tạo nhiều cách làm thể hiện tấm lòng tri ân các đối tượng, gia đình chính sách. Các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học... sôi nổi hưởng ứng phong trào tặng “nhà tình nghĩa”, “sổ tiết kiệm tình nghĩa”... Các cháu thiếu nhi ở nhiều nơi có phong trào “một tuần dành một ngày” chăm sóc, dọn dẹp nhà, vườn giúp các thương binh, bệnh binh nặng. Nhiều cá nhân, tập thể tự nguyện nhận nuôi dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản cụ thể hóa chế độ chăm sóc từng đối tượng, mà gần đây nhất là Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14, toát lên tư tưởng chỉ đạo nhất quán là, trong tình hình kinh tế-xã hội dù còn khó khăn, nhưng bằng mọi nguồn lực xã hội (Nhà nước cùng nhân dân) cố gắng chăm lo vật chất và tinh thần cho mọi đối tượng chính sách có đời sống bằng hoặc khá hơn trước, không để ai bị bỏ lại phía sau. Một số tỉnh, thành phố đã lập các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường, mà trong đó số đông là các cựu chiến binh tự nguyện tham gia, không quản suối sâu, đèo cao, mưa rừng, lũ quét, bám trụ hàng tháng trời ở các chiến trường trọng điểm năm xưa, nhờ vậy đã quy tập được hàng nghìn hài cốt đưa về mai táng ở các nghĩa trang liệt sĩ. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm tri ân những người đã chịu nhiều đau thương, mất mát, làm cho cây độc lập, tự do đã đơm hoa và ra trái ngọt.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong bộn bề gian khó, có không ít anh, chị em thương binh, bệnh binh đã lòng tự nhủ lòng, chủ động nêu cao ý chí, nghị lực, vượt mọi trở ngại về bệnh tật, về đời sống chưa đầy đủ để từng bước vượt khó, làm giàu cho chính mình và cho cộng đồng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Một số Mẹ Việt Nam Anh hùng tự nguyện nhường đất để Nhà nước mở đường, xây trường học. Trong số những người được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, có không ít anh, chị em là thương binh, bệnh binh. Những tấm gương cao đẹp ấy, đã và đang cổ vũ toàn xã hội chung tay, lo toan chu đáo hơn nữa, giúp các đối tượng chính sách có điều kiện góp sức còn lại xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu.

Mục tiêu cao đẹp đó chỉ được thực hiện có hiệu quả khi cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao nhận thức và trách nhiệm; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ hơn. Đó chính là điều kiện tiên quyết để toàn xã hội thể hiện đầy đủ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam từng có hàng nghìn năm văn hiến.