Thông qua chiến dịch đó, có thể nhận thấy nhiều vấn đề đang xảy đến với trẻ hằng ngày, các em đang phát ra những tín hiệu trong im lặng, mà người lớn cần phát hiện và lắng nghe.
Chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của bản thân với người lớn vẫn còn là điều khó khăn với nhiều bạn nhỏ.
Trước khi đến với kỳ nghỉ hè, buổi họp phụ huynh tổng kết cuối năm có lẽ là sự kiện khiến nhiều học sinh lo lắng. Mới đây, một buổi họp phụ huynh đặc biệt đã khiến nhiều em học sinh lẫn cha mẹ học sinh ấn tượng và bày tỏ sự thích thú. Cô Doãn Thị Trang - giáo viên chủ nhiệm lớp 7D Trường THCS Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) đã lên ý tưởng về buổi họp này từ sớm. Cụ thể, trước ngày họp, cô Trang đã phát cho học sinh của mình lá phiếu "Thư gửi ba mẹ" để các em có thể viết ra những điều bản thân muốn nhắn nhủ với cha mẹ. Đồng thời, lá phiếu "Đôi lời nhắn nhủ con yêu" cũng được cô gửi đến phụ huynh.
Không chỉ dừng ở đó, tại buổi họp, thay vì đưa ra những thông tin tổng kết bình thường, cô Trang tổ chức trò chơi "Con là ai?", để phụ huynh tham gia "nhận" con mình qua hình bóng được đưa ra. Dù trả lời đúng hay sai, họ đều có "quà" là bảng điểm học tập và "Thư gửi ba mẹ" của con. Thông qua trò chơi và những bức thư ấy, cô Trang mong muốn phụ huynh có thể hiểu thêm về con em của mình.
Điều đáng nói, bên cạnh những chia sẻ tích cực, cũng có những chia sẻ đáng buồn: "Ngày trước cô giáo của mình cũng làm như vậy, nhưng tối về nhà mình vẫn bị mẹ mắng: Sao con dám lên mặt dạy đời mẹ! Từ đó mình không chia sẻ gì được với mẹ nữa!".
Những câu chuyện như vậy thật ra không hiếm. Chị Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 kể về một ca can thiệp mà các tổng đài viên đã nhận được: "Bạn ấy gọi về tổng đài xin tư vấn làm thế nào để có thể nói với mẹ rằng không muốn mẹ đăng ảnh của bạn ấy lên Facebook nữa. Bởi khi đọc được bình luận của mọi người khiến bạn ấy không thoải mái!". Và đó chỉ là một trong nhiều cuộc gọi về tổng đài để xin được tư vấn làm thế nào có thể kết nối, chia sẻ và được người lớn lắng nghe của trẻ.
Nhà trường, giáo viên, trong những tình huống như vậy đóng vai trò rất lớn trong việc lắng nghe và phát hiện sớm các vấn đề của trẻ, bên cạnh gia đình.
Mô hình "Hộp thư điều em muốn nói" nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng Trẻ em chính là một địa chỉ đã cho thấy hiệu quả trong việc để trẻ em được lên tiếng. Hộp thư được đặt tại hành lang các trường học, các em có thể mạnh dạn gửi thư, nêu lên ý kiến, chia sẻ những khó khăn của bản thân với bạn bè, cha mẹ, thầy cô và nhà trường. Hộp thư này sẽ được thành viên Hội đồng Trẻ em thu thập định kỳ theo tháng, theo quý, để có thể kịp thời phản hồi đến học sinh đồng thời báo cáo, đề đạt các ý kiến, nguyện vọng của các em đến với nhà trường hay các cơ quan liên quan.
Đặc biệt, Hội đồng Trẻ em là mô hình do chính trẻ em trực tiếp điều hành, do Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn và Hội đồng Đội làm ban cố vấn. Đây là nhóm đại diện cho trẻ em, định kỳ có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với người lớn về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại mỗi địa phương.
Bên cạnh các kỳ họp định kỳ, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng Trẻ em với đại diện lãnh đạo, tạo cơ hội cho các em trực tiếp đề xuất các ý kiến, kiến nghị, can đảm cất lên tiếng nói của mình và những người bạn. Đó có thể là mong muốn có thêm sân chơi, được góp ý, nhận được phản hồi, được phản biện đối với chính sách phát triển liên quan đến trẻ em; xây dựng bể bơi, khu vui chơi công cộng, khu thể thao chức năng cho trẻ em,…
Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình Hội đồng Trẻ em là môi trường cho các em được tham gia các lớp tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, những quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền trẻ em, các kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại tình dục trẻ em, kiến thức về bảo vệ trẻ em và các kỹ năng làm việc để tăng cường vai trò của Hội đồng. Đó cũng là môi trường cho các em được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm, câu chuyện của chính các em hoặc bạn bè.
Em Bảo Hân (Hội đồng Trẻ em tỉnh Bình Định) bày tỏ: "Em nghĩ cần phát triển hộp thư "Điều em muốn nói" hơn nữa để chúng em có thể nói lên những điều "khó nói", nhạy cảm và được Ban giám hiệu nhà trường kịp thời giải quyết. Em cũng mong muốn mô hình này được triển khai rộng rãi trên toàn quốc để tất cả trẻ em chúng em được chia sẻ, nói lên những khát vọng, ước mơ, tâm sự riêng của mình".