Trùng tu trong bí mật?

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Nguyễn Ngọc Huyền Anh (Quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ)

Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, tôi và gia đình đã dành trọn thời gian nghỉ hè để đến thành phố Huế du lịch. Chuyến đi rất vui vẻ, cho tới khi cả nhà đến khu di tích An Lăng (Lăng Dục Đức) thuộc quần thể di tích Huế trên đường Duy Tân (phường An Cựu, thành phố Huế).

Theo các chỉ dẫn chính thức, vào mùa hè, khu An Lăng mở cửa đón khách thập phương từ 6 giờ 30 phút sáng đến 17 giờ 30 phút chiều. Lạ lùng thay, khu di tích trước mặt chúng tôi lại ở trong tình trạng “cửa đóng then cài”, dù đồng hồ lúc này chỉ 10 giờ 30 phút sáng.

Dưới ánh nắng miền trung chói chang, gia đình tôi và một số khách du lịch khác cùng tìm kiếm chung quanh, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ bảng, biển thông báo lý do đóng cửa khu di tích. Những người dân địa phương sinh sống chung quanh khu vực cũng lắc đầu không hiểu nguyên nhân. Chỉ biết rằng, tình trạng trên đã diễn ra trong suốt thời gian qua. Không ít khách du lịch nước ngoài cũng từng đến khu An Lăng nhưng rồi cũng chỉ biết ngậm ngùi ra về sau một hồi loay hoay trước cánh cổng đóng chặt.

Việc “cấm cửa” một khu di tích vốn phải mở đón khách rộng rãi là điều vô cùng khó hiểu. Chúng tôi không phản đối việc một khu di tích cần tạm thời đóng cửa để trùng tu, sửa chữa, tôn tạo. Nhưng trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay, cơ quan quản lý lẽ ra phải có thông báo rộng rãi về việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội, thay vì “mặc kệ” du khách bỏ công sức tìm đến rồi không biết nên đi hay ở. Quan trọng hơn cả, chỉ cần một vị khách nước ngoài đăng tải việc này lên mạng xã hội, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè từ khắp năm châu.