Mục tiêu thoát nghèo

Nâng cao kiến thức chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời dựa trên những tiềm năng sẵn có của địa phương như đồi rừng trồng cây dược liệu, nhiều hộ nghèo ở miền núi Quảng Nam đã qua được bước đầu gian nan.
Những mô hình chăn nuôi mới giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Những mô hình chăn nuôi mới giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Giảm nhà tạm, nhà nghèo là mục tiêu

Mùa mưa đang đến gần, “mùa đói” cũng đang đến gần hơn với hộ dân đang đi ở phía cuối. Quyết liệt giảm nghèo và xóa nhà tạm ở Quảng Nam đang được quan tâm nhất hiện nay.

Nhờ ruộng, rừng và chăn nuôi, gia đình anh Bhing Đoong tại thôn Azứt, xã Bha Lêê (Tây Giang) đã đủ ăn và dư ra chút đỉnh. Nhưng để làm lại căn nhà tạm sang kiên cố lại phải cần khoản tiền lớn hơn. Anh Đoong cho hay: “Nhà tạm khổ lắm, mưa hắt, gió lùa. Nhiều đêm, mưa lớn, lo không ngủ được ảnh hưởng sức khỏe, không đủ an toàn trước thời tiết mưa tuôn, gió giật cuối năm. Nhưng góp tiền cũng lâu lắm, phải mất 5 năm hoặc 8 năm mới tạm đủ để làm nhà”.

Tháng 3/2023, mùa mưa đã ngớt, đường khô se, anh Đoong nhận được tin vui, được vay một khoản 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, với lãi suất ưu đãi 3%. Nhờ khoản vay này cùng với số tiền dành dụm từ trước, anh Đoong đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố cho gia đình.

Có nhà mới, anh Đoong chia sẻ rằng: “Khoản vay từ Ngân hàng với thời hạn 15 năm và lãi suất thấp. Nhà mới thì vui. Mỗi tháng góp trả cũng không gian nan”. Tương tự, gia đình ông Alăng Nhuh ở thôn Achoong, xã Ch’Ơm (Tây Giang), cũng nhận được khoản vay 40 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ tôn lợp mái, người dân trong thôn góp công. "Nhờ có ngôi nhà ổn định, gia đình tôi quyết tâm làm ăn, phấn đấu trả nợ và thoát nghèo”- anh Nhuh chia sẻ.

Huyện miền núi Nam Trà My đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5% mỗi năm. Phong trào “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ thoát nghèo” đã lan rộng và trở thành một phong trào tích cực trong các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng tại huyện. Tại xã Trà Vinh, trang trại của anh Hồ Văn Dương đã trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều thanh niên trong xã đến học hỏi. Trước đây, anh Dương luôn mong muốn thoát nghèo nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Nhờ sự vận động của Đoàn xã Trà Vinh, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My, xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê trong vườn nhà. Từ 8 con dê ban đầu, anh đã tăng đàn lên 16 con, đồng thời mua thêm trâu, bò để chăn thả. Đến năm 2021, anh Dương đăng ký thoát nghèo bền vững. Cũng như anh Dương, 9 thanh niên khác trong xã theo mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã gặt hái được những thành quả ban đầu.

Quyết liệt vào cuộc hơn nữa

Anh Hồ Văn Gương, Bí thư Đoàn xã Trà Vinh cho biết, trong thời gian qua, huyện đoàn Nam Trà My đã giao nhiệm vụ cho mỗi cơ sở đoàn hỗ trợ 2-3 đoàn viên thanh niên thoát nghèo. Đồng thời, huyện đoàn phối hợp các phòng ban tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về chăn nuôi và trồng trọt, như trồng cây dược liệu, sâm ngọc linh và nuôi dê, trâu, bò, cá, gà. Anh Gương đã tự mình tiên phong trong việc phát triển mô hình kinh tế gia đình. Chính thành công từ mô hình của anh đã trở thành động lực, dẫn chứng thuyết phục để vận động các đoàn viên thanh niên khác cùng tham gia, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Quảng Nam vừa thành lập Đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương trong năm 2024. Nội dung kiểm tra bao gồm: xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp, công tác truyền thông và nâng cao năng lực quản lý, cùng với đó là ghi nhận các khó khăn và vướng mắc phát sinh. Về mục tiêu khơi thông hạ tầng và giảm nghèo bền vững này, ông Ngô Văn Phong từng công tác tại huyện Tây Giang, nay thường trú tại thị xã Điện Bàn, cho biết: “Những năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp gây lũ cuốn, sạt lở… Các huyện miền núi là nhóm đối tượng cần quan tâm nhất. Để làm được điều này, cần có sự quyết tâm cao và việc bám sát tình hình ở mỗi địa bàn, theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý, đồng thời phát hiện kịp thời những khó khăn phát sinh, gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai”.

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh Quảng Nam. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện rà soát bắt đầu từ ngày 1/9 và kết thúc vào ngày 14/12. Cụ thể, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là những hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống. Tại khu vực thành thị, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống. Các chỉ số đánh giá bao gồm các lĩnh vực như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh.