Chọn đường vào đại học

Ngay sau khi các đại học (ĐH), trường ĐH công bố điểm xét tuyển theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận lại ngập tràn cảm xúc. Không biết vui hay buồn vì chưa bao giờ đỗ ĐH dễ như bây giờ và cũng chưa bao giờ điểm rất cao lại trượt ĐH!
Năm 2024, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đón nhiều tân sinh viên lựa chọn học nghề.
Năm 2024, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đón nhiều tân sinh viên lựa chọn học nghề.

1/Nói là dễ vì muốn vào ĐH hiện nay có vô số phương thức xét tuyển: Nào là căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển… Tính sơ sơ, có tận 20 lối để các em học sinh vào ĐH.

Trước đây, với học sinh lớp 12 sẽ có hai kỳ thi tách bạch là tốt nghiệp THPT và ĐH. Tuy nhiên, để đỡ tốn kém chi phí tổ chức và công đi lại, việc thi tuyển, xét tuyển ĐH sau đã được đổi mới. Có một sự thật là mục tiêu, yêu cầu của hai kỳ thi luôn khác nhau nhưng nay đã gộp làm một. Một bên là đánh giá học sinh có đạt được chuẩn nhất định để tốt nghiệp hay không. Còn lại, một bên là kỳ tuyển sinh mang nặng tính cạnh tranh.

Nhiều người cho rằng, thi vào ĐH bây giờ quá dễ dàng vì đề thi để xét vào ĐH mang tính đại trà. Năm 2024, số lượng thí sinh khối C đạt điểm từ 28 trở lên tăng kỷ lục (hơn 7.600 em) tức cao gấp 10 lần năm ngoái. Năm 2024 cũng là năm ghi nhận nhiều kỷ lục về điểm thi tốt nghiệp THPT khối C. Lần đầu tiên cả nước có 19 thủ khoa khối C, cùng đạt 29,75 điểm. Riêng tại tỉnh Bắc Ninh, cứ 10 thí sinh thì có 1 em đạt điểm 9,5 môn Văn.

"Lạm phát" điểm 9 khối C khiến kết quả năm nay, nhiều em khóc ròng vì các trường xét tuyển khối C tăng điểm cao như Sư phạm, Học viện Báo chí- Tuyên truyền, Luật, Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội… Một số ngành ở các trường, thí sinh phải đạt gần 10 điểm mỗi môn mới có thể trúng tuyển. Thí dụ, hai ngành sư phạm lịch sử và sư phạm ngữ văn có xét tuyển tổ hợp C00 (Văn-Sử-Địa) và lấy điểm chuẩn cao nhất 29,3 điểm, tương đương khoảng 9,76 điểm/môn. Một học sinh ở Hà Nội 29 điểm, có điểm thi đạt “á khoa” của trường THPT nơi em theo học, nhưng rồi giấc mơ sư phạm vẫn… dang dở.

Dễ nữa là nhiều học sinh chỉ cần có học bạ THPT đẹp là cũng đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào ĐH sớm. Cho dù, điểm đó liệu có đúng thực lực của học sinh hay không? Hiện, ngày càng có nhiều trường ĐH mở ra, nhiều ngành học chạy theo xu hướng nên để có đủ người học, thí sinh nhiều khi chỉ cần ghi danh, rồi mười mấy điểm cũng đỗ.

2/Khi các phương thức xét tuyển ĐH khác “phình ra” để hút người học thì phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng thu hẹp lại. Những thí sinh có học lực giỏi, năng lực học tập tốt quyết “tay bo” thi tốt nghiệp THPT và lấy đó làm phương thức xét tuyển ĐH vì không có điều kiện học các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không tham gia các kỳ thi riêng của các trường, không “trang điểm” học bạ đẹp… thì cơ hội vào các trường ĐH tốt, sau này có cơ hội nghề nghiệp là rất mong manh.

Cái khó nữa là tâm lý trọng bằng cấp vẫn ăn sâu trong tiềm thức mỗi gia đình. Năm nay, có hơn 733 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm mầm non trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 73 nghìn em so năm 2023. Như vậy, số thí sinh chọn con đường ĐH vẫn tăng. Đông người cùng chen vào một con đường, tất yếu, dù điểm cao cũng bị rớt.

Chuyện học ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công cũng đã được nói nhiều. Theo các chuyên gia lao động việc làm, thị trường lao động ngày nay đã thay đổi, trọng lao động có tay nghề nên các gia đình cũng nên thay đổi tâm lý khoa bảng, bằng cấp vốn ăn sâu bén rễ trong tiềm thức. Các bậc phụ huynh hãy sáng suốt, thức thời lựa chọn một con đường học tập-thi cử-nghề nghiệp phù hợp nhất cho con em mình. Ngành giáo dục cũng cần nhìn nhận lại các phương án tuyển sinh ĐH sao cho đơn giản, minh bạch và tạo công bằng cho mọi thí sinh.

Tình trạng điểm cao vẫn trượt ĐH đã lặp lại nhiều năm. Các chuyên gia tuyển sinh an ủi, các em không trúng nguyện vọng này sẽ đỗ nguyễn vọng khác. Thế mới có chuyện thí sinh không đỗ ngành cơ khí ô-tô đã “tặc lưỡi” đi học điều dưỡng, thí sinh không đỗ sư phạm chuyển sang học kế toán… Trong khi nguyện vọng yêu thích nhất, say mê nhất thì dang dở.