Năm học mới, kỳ vọng mới

Năm học mới 2024-2025, tất cả các cấp học đều thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học đang chờ đón tinh thần đổi mới của các thầy cô giáo, các nhà trường. Đổi mới về cách dạy học, đổi mới về cách nhìn nhận tầm quan trọng của các môn học dù là học kiến thức hay là kỹ năng và đổi mới về cách đánh giá năng lực riêng của mỗi học sinh.
Giờ tự học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NGUYỆT ANH
Giờ tự học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NGUYỆT ANH

1/Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) nằm ở vùng khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là trường có điểm tuyển sinh thấp nhất của Hà Nội, bình quân chỉ 3 điểm/môn là đã đỗ nên cũng có nhiều học sinh “tràn tuyến”, tức những học sinh không đỗ bất kỳ trường nào ở khu vực nội đô thì chuyển lên đây học theo nguyện vọng 3. Với xuất phát điểm đầu vào thấp, nhiều học sinh còn chưa tập trung cho học tập nhưng thầy cô ở đây không ngừng nỗ lực, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ học sinh.

Năm học mới này, tất cả các lớp của Trường THPT Minh Quang đều được trang bị màn hình cảm ứng với nhiều tính năng kết nối nhiều bài giảng các môn học để phục vụ học tập. Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT Minh Quang, Ba Vì, TP Hà Nội nói: “Em rất bất ngờ vì chúng em được học với phương pháp dạy học tiên tiến. Điều đó giúp chúng em dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn cũng như được mở rộng thêm nhiều tư liệu từ bên ngoài phục vụ mỗi bài giảng”.

Một thành tích không ngờ đến. Đó là năm học vừa qua, 100% học sinh của Trường THPT Minh Quang đều tốt nghiệp THPT, nhiều em trúng tuyển đại học, một em đạt học sinh giỏi quốc gia. Ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Thầy cô là người định hình và tạo động lực cho học sinh. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi nghiệp vụ để cùng bàn giải pháp làm sao cải thiện chất lượng dạy và học khi thực tế chất lượng học sinh đầu vào đến 90% là dưới trung bình. Còn lại, đối với những học sinh học tốt cũng cần có giải pháp để nâng cao kiến thức cho các em. Quan trọng là thầy cô luôn thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành với học sinh thì sẽ làm thay đổi thái độ, nhận thức của học sinh. Từ đó, thay đổi thái độ học tập”.

Đổi mới, hỗ trợ những trường học khó khăn là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục Hà Nội đặt ra cho năm học này. Một ngân hàng giáo viên được thành lập để các nhà trường chia sẻ dạy tốt, học tốt. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Trong năm học mới này, sẽ triển khai những hoạt động phong trào như nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm, tức là đưa các thầy cô giáo ở các trường tốt đến những trường chưa tốt. Đưa những thầy cô giáo ở vùng nội thành đến vùng ngoại thành, đến vùng có đồng bào dân tộc để giúp cho truyền thụ, truyền tải những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy đối với các thầy cô giáo ở nơi đây”.

2/Chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức).

Tại Trường THPT Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), môn học Toán được các thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy thực hiện phương châm “Học qua làm”. Thí dụ, tại tiết Toán của các em khối 10, thay vì dạy học lý thuyết ở trên lớp, các em sẽ xuống sân trường để đo chiều cao của chiếc cổng phao bằng thước dây. Chiếc cổng có hình Parapol nên các em sẽ vận dụng kiến thức của Toán lớp 10 về hàm số Parapol để thực hành. Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 10 cho biết: “Cách dạy này hoàn toàn khác từ khi bọn em học từ lớp 1 đến lớp 9. Thay vì mở vở ghi bài, chép bài và áp dụng công thức thì nay, mỗi ngày chúng em sẽ được tiếp thu với một phương pháp hoàn toàn mới. Điều đó khiến chúng em rất thích thú, dễ tiếp thu và dễ nhớ kiến thức hơn”.

Chủ thể của giáo dục là học sinh. Các em phải thật sự được xem là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục. Để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, năm học mới, các nhà trường cần đổi mới nhận thức về các hoạt động giáo dục. Không chỉ chú trọng các môn văn hóa mà còn thúc đẩy các hoạt động văn nghệ, thể thao, thể chất. Mỗi học sinh có năng lực và niềm đam mê khác nhau. Được cổ vũ, động viên và tạo điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất, các em sẽ thật sự có một năm học mới với trường học hạnh phúc.

Thầy Nguyễn Duy Đức, Trường THPT Khoa học Giáo dục nói: “Thầy cô luôn phải tìm cách thay đổi không gian học, gắn kiến thức sách vở với thực tế thì sẽ tạo được sự chú ý đến đam mê học tập cho các em học sinh”.