Giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp ở Hà Nội

Năm học mới đến gần, tại Công văn số 3898 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi các Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025 có yêu cầu các trường bảo đảm sĩ số không quá 35 học sinh/lớp và có đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu. Quy định khiến các chuyên gia giáo dục e ngại bởi tình hình thực tế nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải.
Lớp học đủ tiêu chuẩn, học sinh tiểu học sẽ được uốn nắn kịp thời.
Lớp học đủ tiêu chuẩn, học sinh tiểu học sẽ được uốn nắn kịp thời.

Cách đây 14 năm, yêu cầu một lớp ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp đã được quy định tại khoản 1, Điều 17, Thông tư số 41/2010/TT (năm 2010) về Điều lệ trường tiểu học. Tuy nhiên, cũng ngần ấy năm trôi qua, bậc tiểu học ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn chưa thể thực hiện được quy định này, đặc biệt tại những thành phố lớn. Nhiều nơi, mỗi lớp học sĩ số học sinh vẫn lên đến 45-50 em, thậm chí 60 em. Có trường còn không thể triển khai cho học sinh học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới vì không đủ lớp học.

Từng có con theo học tiểu học tại một trường có tiếng ở phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Thảo cho biết: “Trường con tôi theo học, mỗi lớp học của khối lớp 1, sĩ số học sinh bao giờ cũng là 60 em. Ở lứa tuổi vừa mới thoát bậc mầm non, rất cần được uốn nắn cẩn thận từ tư thế ngồi đến cách cầm bút rồi phát âm thì các em lại không được để ý. Lớp học đông quá nên nhà trường phải kê thêm bàn. Bạn ngồi trên sát ngay bảng thì dễ bị cận. Bạn ngồi xa cuối lớp thì khó tập trung học. Cô giáo trong lớp không tương tác được hết các học sinh chứ không dám nói đến quan tâm, chỉ bảo từng em. Chất lượng dạy và học vì thế không bảo đảm!”.

Một chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng: “Sĩ số 35 chỉ phù hợp với các huyện hoặc quận lõi có dân số già, còn quận đang phát triển, có nhiều khu đô thị như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông sẽ không đáp ứng được. Vì thế, năm học tới nếu chỉ có 35 học sinh/lớp sẽ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh”.

Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với hơn 500.000 người. Đây được xem là “điểm nóng” thiếu trường học, vì tập trung nhiều khu dân cư mới. Tháng 8/2022, quận còn thiếu 36 trường, gồm 13 trường tiểu học. Năm 2023, quận Hoàng Mai quyết định xây 4 trường mới, trong đó có hai trường tiểu học. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng cho rằng, khó thực hiện sĩ số lớp 35 học sinh trong năm học mới này. Ở Trường tiểu học Hoàng Liệt, trung bình mỗi lớp tới 50 em. Bà Hạnh hy vọng, hai ngôi trường đang xây, rộng 11.000 m2 và 22.000 m2, có thể hoạt động vào năm sau để giảm áp lực về sĩ số.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Sĩ số lớp bình quân, với cả công lập và ngoài công lập ở quận là khoảng 38,5 học sinh/lớp. Nếu tách riêng công lập, con số này là 47-48. Quận vừa có thêm 4 trường mới, trong đó có 2 trường tiểu học, đồng thời cải tạo và xây các phòng học ở 11 trường, giúp giảm sĩ số lớp còn trung bình hơn 40. “Cơ bản năm nay ổn nhưng cũng không thể đạt 35 học sinh/lớp được”, bà Tâm nói.

Còn tại quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, những năm trước, quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Thí dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang quận Hà Đông. Trong kế hoạch, phải bảo đảm 100% số trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 học sinh/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn học sinh.

Vì thế, năm học tới nếu chỉ có 35 học sinh/lớp sẽ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, quy định là một việc còn thực tế lại là việc khác. Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp. Nhưng hiện nay chỉ còn nửa tháng nữa là năm học mới bắt đầu, liệu có kịp để chuẩn bị?

Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương hiện nay và là bài toán làm “đau đầu” các bên liên quan. Để giải bài toán này cần một tầm nhìn, quy hoạch dài hơi, cần nguồn lực tài chính, nguồn lực đất đai. Năm học mới đã cận kề. Để đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về sĩ số 35 học sinh/lớp học ở bậc tiểu học, Hà Nội cần thêm 1.580 lớp, tương đương ít nhất 53 trường tiểu học. Trong khi nội thành “không còn đất”, việc xây trường mới ở ngoại thành “cũng cần thời gian”. Chưa kể, tăng số phòng hay trường học đồng nghĩa phải tuyển thêm giáo viên, cán bộ quản lý.