Mối lo khoảng trống khoa học cơ bản

Năm 2024, các ngành khoa học cơ bản tiếp tục gặp khó khi chỉ 2% số thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi những ngành này lại đang rất thiếu nhân lực và được xem là xương sống cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng nghiệp từ bậc THCS để định hướng cho các em theo học ngành KHCB từ sớm. Ảnh: NGUYỆT ANH
Hướng nghiệp từ bậc THCS để định hướng cho các em theo học ngành KHCB từ sớm. Ảnh: NGUYỆT ANH

1/Khoa học cơ bản (KHCB) nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số ngành KHCB gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và nhóm các ngành trong khối khoa học, Trái đất như: Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và Khí hậu học, Hải dương học.

Nhiều năm nay, các ngành KHCB thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) luôn chật vật tuyển sinh viên theo học. Cho dù điểm xét tuyển đầu vào không cao và học phí cũng thấp nhất trong các ngành đào tạo. Đơn cử, ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân (Khoa Vật lý) đề ra số lượng tuyển sinh thấp, chỉ 40 chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Năm 2022 tuyển còn thiếu 6 em. Năm 2023, thiếu 10 em. Ngành Hải dương học thì khó khăn hơn, có năm chỉ tuyển được 2 sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn mỗi khóa chỉ tuyển được 10 sinh viên. Chung cảnh ế ẩm là các ngành Nông-Lâm-Nghiệp và Thủy sản. Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu đề ra.

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2024 vừa diễn ra tại ĐH Bách khoa (Hà Nội), bạn Nguyễn Mạnh Thắng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) chia sẻ: “Em vẫn còn băn khoăn, trong khoảng 10 năm tới nếu học những ngành KHCB thì có cơ hội phát triển hay không?”. Còn bạn Lê Thế Tùng, học sinh lớp 12 tại Quảng Ninh cho biết: “Học các ngành KHCB có vẻ nặng nề hơn so với các ngành kinh tế-xã hội và sau này tìm việc thì công việc cũng có vất vả hơn”…

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tỷ lệ thí sinh lựa chọn vào các ngành nghề năm 2023 cho thấy, đứng đầu bảng là Kinh doanh và Quản lý (23,57%), Máy tính và Công nghệ thông tin (11,27%), Công nghệ kỹ thuật (10,05%). Chỉ ba ngành này đã chiếm gần 45% số thí sinh. Trong khi đó, hàng loạt lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là: Nông lâm nghiệp và thủy sản (0,86%), KHTN (0,50%), Toán và Thống kê (0,50)…

2/Theo các chuyên gia, việc đầu tư giảng dạy, thực hành, nghiên cứu khoa học cho các ngành KHCB là rất lớn. Các cơ sở đào tạo cũng không mặn mà với vấn đề này vì với số lượng tuyển sinh thấp thì các chi phí, nguồn thu từ chương trình này sẽ thấp. Khi sinh viên ra trường, cơ hội có việc làm và thu nhập cao ngay là khó vì cần phải có quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm cũng như phát triển các kỹ năng cũng như kiến thức chuyên sâu về ngành của mình. Như vậy, người học cũng chưa thấy được cơ hội vào học những ngành này trong tương lai. Điều này dẫn đến chỉ tiêu vào các ngành KHCB cũng giảm và số lượng tuyển sinh cũng không tăng.

Để thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, các chuyên gia đề xuất, nhà nước có chính sách phát triển những ngành này hơn nữa, kế hoạch thì cần dài hơi hơn trong nhiều năm thì mới tạo ra được động lực thay đổi. Thời gian vừa qua, bản thân các cơ sở đào tạo cũng đang nỗ lực đổi mới từ chương trình cho đến thiết bị giảng dạy. Đơn cử, ĐH QGHN là nơi đào tạo khá nhiều ngành KHCB (18 ngành, trong đó có 9 ngành KHTN, 9 ngành KHXH), sinh viên học các ngành này được miễn giảm học phí, được bố trí ký túc xá, được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với các thầy. Các cơ sở đào tạo đang cố gắng làm thế nào để sinh viên có kiến thức và kỹ năng tốt nhất sau khi tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động một cách tốt nhất.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH QGHN đề xuất: “Đối với ngành KHCB, Bộ GD&ĐT cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục bên cạnh đào tạo các ngành KHCB thì phát triển các ngành phái sinh từ KHCB. Như thế, người học sẽ nhìn thấy cơ hội việc làm tốt hơn. Thí dụ các ngành KHCB như vật lý thì chúng ta có ngành phái sinh là khoa học vật liệu, công nghệ nano. Những ngành này hiện nay rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên sinh viên học các ngành KHCB. Bên cạnh đó, chế độ tuyển dụng, tiền lương đối với các vị trí việc làm cần phải cải thiện để sinh viên thấy mình có tương lai, có cơ hội để theo đuổi các ngành KHCB.

Các chuyên gia lo ngại, nếu các ngành KHCB không phát triển thì chúng ta rất khó phát triển các ngành kỹ thuật cao. Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so các nước khác trên thế giới đối với nghiên cứu và ứng dụng khoa học sẽ là rất lớn.