Đôi điều về dạy thêm, học thêm

Bạn đọc viết:

Phạm Đức Huynh (Tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La)

Trong những ngày qua, dư luận xã hội, đặc biệt là các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh rất quan tâm tới dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực tế dù không muốn thì việc dạy thêm, học thêm vẫn đã diễn ra và tiếp tục tồn tại cùng các vấn đề khác của xã hội vì một lẽ tự nhiên có nhu cầu ắt sẽ có dịch vụ cung cấp. Vấn đề là làm thế nào để việc dạy thêm, học thêm hạn chế được những tác động tiêu cực, tạo công bằng cho học sinh, thuận lợi cho người tham gia giảng dạy và công tác quản lý. Thiết nghĩ cần quan tâm đến các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần chuyển đổi việc dạy thêm thành việc dạy theo nhu cầu. Thứ hai, quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát chỉ cần đối chiếu giữa nhu cầu, mục đích của người học với kế hoạch của người dạy đã phù hợp chưa, cần thiết kiểm tra xác minh kết quả của người học sau khi học có đạt được mục đích đề ra hay không. Thứ ba, cần phân biệt rõ việc dạy, học thêm diễn ra ở đâu: Nếu diễn ra trong nhà trường cũng cần phân biệt với hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Nếu dạy theo nhu cầu được diễn ra trong nhà trường thì nhà trường công khai các điều kiện và các nội dung dạy học để người học đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát, minh bạch giá dịch vụ và việc thu chi, nộp ngân sách nhà nước.

Nếu diễn ra tại gia đình thì cũng cần công bố các điều kiện và các nội dung dạy học. Mục đích của người học tương ứng với kế hoạch giảng dạy và kết quả để khẳng định đạt được mục tiêu đặt ra. Giá dịch vụ và các điều kiện bảo đảm dạy tại nhà do cơ quan quản lý nhà nước xây dựng ban hành.