Chờ phương án thi vào lớp 10

Năm học 2024-2025 là năm Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến 12. Đây cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào lớp 10 theo chương trình mới. Các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều mong ngành giáo dục sớm công bố định hướng thi cử để học sinh kịp thời ôn luyện.
Tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: NGUYỆT ANH
Tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: NGUYỆT ANH

1/Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP Hà Nội năm nào cũng nhận được sự quan tâm lớn của phụ huynh, học sinh vì tính cạnh tranh cao. Hằng năm sẽ chỉ có khoảng 60-62% học sinh có suất học trường công, có năm con số này dưới mức 60%. Sang năm 2025, dự báo kỳ thi này còn “nóng” hơn gấp bội vì học sinh lớp 9 sẽ phải thi theo chương trình mới.

Thông lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội thông báo phương án tuyển sinh vào lớp 10 gồm 4 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn bất kỳ (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý). Môn thứ tư thường sát kỳ thi sẽ bốc thăm mới công bố. Vài năm gần đây, học sinh lớp 9 tại Hà Nội không phải thi thêm môn thứ tư do các lứa học sinh này chịu ảnh hưởng của thời kỳ dịch Covid-19, và để quản lý chất lượng giáo dục, thầy trò các trường THCS phải tổ chức dạy và học đều tất cả các môn.

Nhưng năm học này lại khác. Theo Chương trình GDPT mới với sự hình thành của các môn tổ hợp: Tổ hợp Khoa học-Tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học-Xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đều băn khoăn việc lựa chọn môn thi thứ tư sẽ như thế nào? Chị Nguyễn Thanh Huyền có con học lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Nếu Sở vẫn giữ thi vào lớp 10 với 4 môn thì từ năm học này, ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ, học sinh sẽ phải thi một môn tổ hợp. Như vậy, số lượng ôn thi và thi thực chất lên tới 6 môn. Như vậy, kiến thức quá nặng cho học sinh khối 9”. Nhiều phụ huynh cùng dựa đoán, năm 2025, dự kiến với việc tăng số môn thi, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội vốn căng thẳng, nay sẽ nhiều áp lực cho học sinh hơn.

Anh Lê Trung Anh có con đang học lớp 9 hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam lo lắng: “Con tôi có nguyện vọng thi vào THPT hệ chuyên và con sẽ chọn môn thi Hóa. Nhưng nay Hóa không còn là môn độc lập. Vậy nếu thi chuyên Hóa hay Lý, Sinh sẽ thi từng môn độc lập hay phải thi cả tổ hợp”. Tương tự, với các môn nằm trong tổ hợp Khoa học-Xã hội cũng vậy.

Cô Phạm Như Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: “Năm 2025 lứa học sinh lớp 9 đầu tiên thi tuyển lớp 10 theo Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, đã đến đầu năm học rồi, nhà trường, phụ huynh và học sinh vẫn chưa hình dung được phương án thi như thế nào. Đặc biệt, hằng năm, hơn 90% số học sinh của Trường THCS Cầu Giấy đều dự thi vào các trường THPT chuyên của Sở và của Bộ. Phụ huynh và học sinh rất mong ngóng, năm nay, các con thi môn chuyên sẽ như thế nào vì chương trình mới không còn môn độc lập nữa”.

2/Đánh giá về Chương trình GDPT mới, nhiều chuyên gia, thầy cô giáo cho rằng, mục tiêu giảm tải chương trình học không đạt được như kỳ vọng. Sự xuất hiện các môn tích hợp nhưng lại là ghép môn, ghép sách. Việc này không được giảm tải kiến thức mà tăng thêm áp lực cho giáo viên với giáo án mới dài lê thê. Còn học sinh phải học lượng kiến thức nặng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá chưa thực chất. Chương trình mới, việc đánh giá theo định hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học, tuy nhiên việc đánh giá học sinh vẫn theo lối cũ, vẫn là đề kiểm tra trắc nghiệm, tự luận, nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu đổi mới. Chính vì học khó, kiến thức nặng mà thi cử lại thay đổi nên tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra và đặc biệt, căn bệnh “thành tích” đã trở thành “mãn tính” khi tại các trường, chỉ tiêu được giao “năm sau phải cao hơn năm trước…”.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Còn phương án thi vào lớp 10 vẫn chưa được ngành GD&ĐT các địa phương công bố.

Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây cho biết sẽ phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2025-2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.