Đắk Lắk

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa Tây Nguyên, độ ẩm không khí tăng cao và khí hậu nóng bức là điều kiện thuận lợi để các loại muỗi truyền bệnh phát triển.
Cán bộ y tế xử lý các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng (bọ gậy) và muỗi.
Cán bộ y tế xử lý các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng (bọ gậy) và muỗi.

Tăng bệnh nhân nặng

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 56 ổ dịch tại 33/184 xã, phường, thị trấn của 11/15 huyện, thị xã, thành phố với hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nhiều nhất là trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Pắc và rải rác tại tất cả các huyện, thị xã.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, tính từ đầu năm, khoa đã điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; trong đó, nhóm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng có gần 50 trường hợp và hơn 130 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cảnh báo.

Tại Khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, số bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết liên tục tăng. Theo TS, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa, từ đầu năm đến nay, khoa đã điều trị hơn 130 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết cảnh báo và bị sốc sốt xuất huyết. Còn tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh - Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.

Tăng cường truyền thông phòng bệnh

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính gồm sốt, nguy hiểm và phục hồi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, yêu cầu xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch được phát hiện, kiên quyết không để dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan, kéo dài. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường giám sát chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, tập huấn cho cán bộ y tế về chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccice phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Từ ngày 5 đến 9/8, Trung tâm đã phối hợp UBND các huyện, xã tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu cho cán bộ xã, trưởng các thôn, buôn, người dân tại địa phương. Đã có hơn 250 người tại 5 xã thuộc các huyện M’Đrắk, Krông Búk, Buôn Đôn, Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột tham dự. Các buổi truyền thông trực tiếp đã chia sẻ thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu gần đây trên cả nước và tại Đắk Lắk; cập nhật các thông tin về nguyên nhân mắc bệnh, nguồn lây, các biện pháp phòng, chống bằng cách diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt...

Bệnh nhân cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc, nước tiểu ít… để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.