Băn khoăn xe đạp công cộng

Bạn đọc viết:

Nguyễn Thành Trung (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)

Vài năm trở lại đây, trào lưu rèn luyện thể dục thể thao nói chung, đạp xe vận động mỗi ngày nói riêng đang được toàn dân hưởng ứng rộng rãi. Nắm bắt xu hướng này, nhiều địa phương đã triển khai mô hình xe đạp công cộng với hàng loạt trạm thuê xe ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ người dân và du khách thập phương.

Thời gian đầu, nhờ sự hưởng ứng của đông đảo người dân, mô hình này đã nở rộ. Thậm chí, nếu không nhanh chân, một số người sẽ không có xe để sử dụng. Thế nhưng, hiện tại, xe đạp cho thuê theo hình thức trên đã không còn phổ biến. Trong số các nguyên nhân, có thể kể đến việc hạ tầng giao thông chưa tương thích với hình thức thuê xe đạp di chuyển trong nội đô. Trong không khí mùa hè oi bức, nắng nóng và mưa dông đan xen liên tục, việc sử dụng xe đạp giữa các con phố nườm nượp phương tiện cơ giới mà không có làn riêng rõ ràng không khả thi. Làn riêng chưa có, không thể trông chờ sự tồn tại của làn ưu tiên, đèn tín hiệu, biển báo, nơi dừng đỗ…

Tôi từng sống, làm việc ở một số quốc gia nơi xe đạp là phương tiện di chuyển chính của người dân trong nội đô. Các nước bạn đầu tư hệ thống làn đường, cơ sở hạ tầng hỗ trợ riêng cho xe đạp rất nghiêm chỉnh. Người dân không chỉ được khuyến khích sử dụng, mà còn được hưởng những chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể khi sử dụng xe đạp mỗi ngày. Người đi xe đạp có làn riêng, làn chung, làn cảnh quan và cả làn cao tốc bởi xe đạp được tích hợp vào quy hoạch đô thị ngay từ đầu.

Đến đây, tôi lại mường tượng ra câu chuyện gây bức xúc trong cộng đồng bấy lâu nay về việc hàng đoàn dài xe đạp đi vào đường cao tốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng và bản thân những người sử dụng xe đạp. Tựu chung, bản chất việc đi xe đạp là tốt. Có điều, để việc sử dụng xe đạp trong cuộc sống thường ngày cần có quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển đúng hướng mà thôi.