Doanh nghiệp "tỷ đô" không hề ít
Hiện nay, giá trị vốn hóa nhà đầu tư ngoài nắm giữ trên thị trường Việt Nam vào khoảng 46-49 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 16% tổng vốn hóa trên thị trường. Việt Nam được cho là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế, tổng sở hữu vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng nắm giữ lại nhiều nhất quanh khu vực Đông Nam Á.
Từ đầu năm 2024 đến nay, có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, bỏ lại cổ phiếu ở nhiều thị trường như: tại Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do, thứ nhất, lãi suất đồng USD duy trì quá cao, đồng USD tăng giá, đồng Việt Nam và một số đồng tiền trong khu vực có sự mất giá. Nên một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn. Thứ hai, tỷ giá trên thị trường tương đối cao so thị trường trong khu vực. Do vậy, một số quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi, họ sẽ duy trì tỷ trọng nào đó với thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán để bảo đảm mục tiêu đầu tư của quỹ. Cũng có một số quỹ hết thời gian được phép đầu tư nên họ rút ra khỏi thị trường.
Thực tế, kinh tế Việt Nam trước những khó khăn, biến động của thế giới vẫn giữ được các chỉ số kinh tế vĩ mô. Hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện rất bình thường. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam cải cách, phát triển, nâng hạng có thể những nhà đầu tư rút ra sẽ phải tiếc nuối. Chính vì vậy, cần phân tích bản chất của hiện tượng từ đó có sự nhìn nhận toàn diện để không có những ảnh hưởng không đáng có trên thị trường. Và việc xử lý về vấn đề bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là nhiệm vụ và định hướng của cơ quan quản lý để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới.
Việc nâng hạng thị trường và bài toán gia tăng doanh nghiệp niêm yết chất lượng cũng cần được đặt ra. Trong 10 năm qua, tốp 10 cổ phiếu lớn chủ yếu thay đổi thứ hạng mà chưa có nhiều hàng hóa mới, lượng doanh nghiệp "tỷ đô" chưa niêm yết vẫn có nhiều. Trên thị trường hiện có 42/42 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường quy mô hơn 1 tỷ USD. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam không hề ít doanh nghiệp "tỷ đô". Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có vốn hóa thị trường lớn cho biết, họ đang chờ đợi thị trường chứng khoán nâng hạng mới niêm yết.
Bên cạnh đó, có những yếu tố chủ quan có thể khắc phục như phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trong một thời gian có thể giảm. Doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư tham gia vào IPO gặp khó khăn vì thời gian có cổ phiếu trên thị trường không kéo dài. Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. Việc này giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn.
Chuẩn hóa bộ tiêu chí xác định chất lượng hàng hóa
Nâng cao chất lượng hàng hóa là mục tiêu xuyên suốt được đề ra cả trong Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rốt ráo nghiên cứu, xây dựng và chuẩn hóa bộ tiêu chí xác định chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành dự thảo thông tư sửa bốn thông tư hiện hành - giải pháp được cho là gỡ bỏ triệt để nút thắt về quy định ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding).
Cụ thể, vào ngày 19/7 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng của thông tư này và đăng trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để các thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, các nhà đầu tư nước ngoài… có thể xem được. Nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản dự thảo này sẽ chỉnh sửa tiếp trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình ký ban hành.
Các văn bản pháp quy này sẽ bao trùm lên các vấn đề cụ thể như:
Thứ nhất, chất lượng công bố thông tin. Trên thị trường chứng khoán, thông tin rất quan trọng. Nếu không minh bạch thì thị trường chứng khoán không thể thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Để có thông tin chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao, cần thời gian dài từ việc thay đổi ý thức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có ý thức tự giác trong việc công bố thông tin không phải từ cơ quan quản lý bắt buộc mà chính từ lợi ích của doanh nghiệp.
Thứ hai, về quản trị công ty, cơ quan quản lý cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu để nâng cao quản trị công ty. Doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ quy định, cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, hội đồng quản trị, tăng cường sự giám sát, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Thứ ba, hoạt động của doanh nghiệp phải đi kèm trách nhiệm với xã hội, môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo về việc thực hiện bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp, gồm: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Việc đáp ứng các tiêu chí theo thông lệ quốc tế để nâng hạng thị trường đã khó, nhưng việc làm thế nào để "trụ hạng" sau khi được nâng hạng mới là thách thức thật sự. Bởi nếu không "trụ hạng" được thì dòng vốn có thể lại chảy ra, và rất có thể sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Để trụ hạng được, theo kinh nghiệm quốc tế, vấn đề bắt buộc là cơ quan quản lý cần tiếp tục thay đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia thị trường. Đây là mối quan tâm của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Thực tế minh chứng, thị trường chứng khoán khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là bảo đảm thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Điển hình như trường hợp của Argentina bị Morgan Stanley Capital International (MSCI) cân nhắc hạ từ nhóm thị trường cận biên xuống nhóm thị trường sơ khai vào kỳ đánh giá tháng 6/2022. Hoặc khi thị trường chứng khoán không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng, trường hợp của Peru bị Financial Times Stock Exchange (FTSE Russell) hạ cấp từ Nhóm thị trường mới nổi xuống nhóm thị trường cận biên vào tháng 9/2020.
Việc nâng hạng hay duy trì thứ hạng phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư đối với trải nghiệm của chính họ khi tham gia thị trường chứ không phải trải nghiệm với cơ chế pháp lý. Và đương nhiên, nhà đầu tư sẽ liên tục có yêu cầu mới về những trải nghiệm mới. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và các công ty chứng khoán, doanh nghiệp thuộc tổ chức niêm yết, ngân hàng lưu ký sẽ phải chuẩn bị những điều cần thiết, tiếp tục đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao đó.