Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel:

“Triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng sáng tạo giúp khai phóng những không gian mới”

“Trung bình mỗi giờ Viettel có thêm một ý tưởng mới, mỗi ngày Viettel có ba sáng kiến, ý tưởng mới được áp dụng...”, ông Tào Đức Thắng (ảnh bên), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng chung quanh chủ đề đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp - xu thế mà Viettel đang đi tiên phong.
0:00 / 0:00
0:00
“Triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng sáng tạo giúp khai phóng những không gian mới”

Viettel là doanh nghiệp viễn thông có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Nhưng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại nếu không đổi mới, sáng tạo trong một thế giới mà những thay đổi về công nghệ diễn ra quá mau lẹ. Ông đánh giá vai trò của đổi mới, sáng tạo đối với sự phát triển của Viettel?

Ở Viettel, đổi mới sáng tạo sớm được nhận thức là yếu tố sống còn để phát triển. Điều đó được thể hiện trong triết lý kinh doanh dựa trên sự khác biệt, sáng tạo để tạo giá trị phục vụ khách hàng, phụng sự đất nước. Triết lý này thể hiện trong tầm nhìn thương hiệu “Sáng tạo vì con người”, là 1 trong 8 giá trị cốt lõi của Viettel “Sáng tạo là sức sống”, thể hiện trong phương châm hành động “Thông minh hóa”, “Khác biệt hóa”... Giá trị này được Viettel gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ, được “lập trình” thành bộ gen văn hóa trong mỗi người của Viettel. Viettel đã hình thành văn hóa trân trọng, lắng nghe, ghi nhận các sáng kiến, ý tưởng dù là nhỏ nhất. Các phương châm hành động “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”, “Suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới”... giúp người của Viettel ở bất kỳ vị trí nào cũng liên tục được thúc đẩy và có cơ hội để đóng góp. Khi đổi mới sáng tạo đã ngấm vào tiềm thức từ người lãnh đạo đến nhân viên, trở thành văn hóa của tổ chức ấy thì hoạt động sáng tạo sẽ diễn ra hết sức tự nhiên. Trong 10 năm từ 2011-2021, Viettel có 79.000 sáng kiến, ý tưởng của cán bộ nhân viên được đề xuất, hơn 10.000 sáng kiến, ý tưởng được công nhận, ứng dụng và đem lại giá trị làm lợi hơn 5.300 tỷ đồng...

Triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng sáng tạo giúp Viettel khai phóng những không gian mới, tự tin đối mặt với những thách thức mới. Ngay từ khi là một công ty xây lắp, Viettel đã có nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá để làm nên nhiều công trình cột cao trở thành biểu tượng. Khi viễn thông còn là thị trường mới mẻ, Viettel cũng có những chiến lược “phổ cập hóa dịch vụ viễn thông”, đưa dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành thiết yếu. Khi thị trường trong nước đang tiến tới ngưỡng bão hòa, chúng tôi tìm cách mở rộng không gian, đầu tư ra nước ngoài. Chúng tôi tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có cơ hội đi cùng với thế giới. Là một công ty viễn thông toàn cầu, Viettel đã “đi cùng” với cuộc cách mạng 4.0 như thế nào để có thể vượt lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường viễn thông và công nghệ thế giới?

Tôi nghĩ vấn đề của thế giới công nghệ hiện đại là biến đổi quá nhanh, nhanh tới mức không thể nắm bắt. Một startup như Facebook trở thành thế lực truyền thông sau vài năm. Một đế chế hùng mạnh như Nokia chớp mắt lại thành một startup công nghệ, bắt đầu lại từ đầu. Đây là thách thức của tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, chứ không chỉ riêng Viettel hay doanh nghiệp Việt.

Điểm mấu chốt cho một công ty công nghệ là khả năng nhận biết xu hướng công nghệ đặt trong bối cảnh phát triển nhu cầu xã hội, để từ đó đưa ra được sản phẩm, dịch vụ bắt kịp với nhu cầu của người dùng.

Chúng ta đã biết, trong thế giới tự nhiên, không phải các loài to lớn, mạnh mẽ mà chính những loài biết thay đổi, thích nghi với môi trường mới là những sinh vật tồn tại và tiến hóa. Những bài học về thích ứng Viettel “ngấm” lắm. Xu hướng dùng data để trao đổi trên nền OTT làm suy giảm viễn thông, thị trường cũng bão hòa, nó là những điều tất yếu. Khi mỗi người đã dùng 2 đến 3 cái sim rồi, ta phải tìm những thứ khác để kết nối. Sim không chỉ còn dùng cho điện thoại mà còn dùng cho các loại máy móc khác để có các nhà máy thông minh, kết nối ô-tô để có giao thông thông minh. Khi mọi người dùng wifi nhiều hơn, thì mỗi gia đình trở thành một trạm phát sóng, v.v. Theo sự phát triển của xu hướng xã hội, một không gian mới mẻ được mở ra lớn gấp nhiều lần viễn thông. Khi có hướng đi rồi, công việc tiếp theo là quyết tâm làm thật nhanh, thật tốt, làm đến cùng để tạo ra giá trị.

May mắn là ở thời điểm hiện tại, những điều kiện cần và đủ để phát triển công nghệ đã hội tụ đầy đủ. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững, đồng thời là giải pháp đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Đại hội XIII cũng nêu lên định hướng lớn đó là: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Những quan điểm, chủ trương đó là nền tảng định hướng để các doanh nghiệp công nghệ như Viettel tự tin cho lựa chọn của mình. Đây cũng là cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, nếu có.

Với quá trình chuyển đổi từ công ty viễn thông sang công ty kết hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Viettel thì đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông, Viettel đang đối mặt với những thách thức gì trong quá trình này?

Bước vào giai đoạn phát triển thứ tư, Viettel chuyển đổi từ một nhà khai thác viễn thông (telco) trở thành một công ty công nghệ (techco), trọng tâm được đặt vào chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao. Tất nhiên quá trình thay đổi sẽ có những thách thức.

Thách thức đầu tiên là câu chuyện chuyển đổi chính con người, cụ thể là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về thực tại mới. Chuyển đổi số là chuyển đổi về mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Con người trong bối cảnh đó sẽ cần những tư duy mới, rèn luyện những kỹ năng mới của môi trường số. Vấn đề này sẽ tác động toàn diện, từ các lớp lãnh đạo, chỉ huy cho đến những người kinh doanh trực tiếp.

Thách thức tiếp theo là sự tự tin để trở thành động lực quyết tâm làm đến cùng. Dù đạt được một số thành tựu đáng kể, nhưng trình độ công nghệ của chúng ta còn sau thế giới một khoảng cách nhất định. Để bắt kịp chuyến tàu 4.0, chúng ta chỉ có con đường tiến lên và đi nhanh hơn. Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, để phát triển bền vững thì chúng ta phải làm chủ công nghệ lõi - thứ mà không đối tác nào chuyển giao. Mỗi bước đi đều là một lần phá bỏ vùng an toàn của mình.

Thách thức nữa là về cơ chế, chính sách. Dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm và định hướng nhưng, ngành công nghệ vốn thay đổi rất nhanh, yêu cầu của thị trường, của khách hàng cũng đòi hỏi các công ty công nghệ luôn phải đổi mới sáng tạo để phục vụ và đáp ứng. Vì thế, đôi khi chính sách chưa bắt kịp với những thay đổi này. Chúng ta cần thực hiện cơ chế chính sách thử nghiệm độc lập (sand box) để các doanh nghiệp có thể vận dụng, đáp ứng được xu thế phát triển.

Với mỗi thách thức, Viettel cũng có nhiều giải pháp để vượt qua, biến thách thức thành động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trước hết, phải đặt ra những mục tiêu thách thức cao để bắt buộc phải tìm ra cách làm đột phá, sáng tạo. Để giải quyết được những thách thức đó đòi hỏi cách làm khác biệt, sáng tạo chứ không phải vì sáng tạo mà Viettel đặt ra việc khó. Mặt khác, chia nhỏ những việc lớn để nhìn thấy sự khả thi.

Nếu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thì sẽ có một loại tài nguyên không phải là vốn, không phải là lao động, không phải là công nghệ bình thường, đó là dữ liệu. Ông đánh giá thế nào về vai trò của dữ liệu và làm thế nào phát huy tối đa vai trò của dữ liệu đối với một công ty như Viettel?

Trong lập trình máy tính, có một nguyên tắc cơ bản: Dữ liệu + Thuật toán = Chương trình. Suy rộng ra, tất cả các hệ thống, từ cơ bản nhất đến phức tạp nhất, đều nhằm xử lý dữ liệu để tạo ra giá trị phục vụ con người. Dữ liệu đóng vai trò đầu vào, và là nguồn sống cho tất cả các hệ thống.

Khi công nghệ số được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống, từ khoa học, kinh doanh, giải trí, thể thao... các hệ thống ngày càng trở nên thông minh hơn. Dữ liệu cũng phát triển đa dạng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các tổ chức khi tác động trực tiếp lên hoạt động thường ngày. Đây được coi là nguồn tài nguyên mới của kỷ nguyên số với tầm quan trọng không khác gì dầu mỏ của công nghiệp hiện nay.

Để phát huy tối đa vai trò của dữ liệu, chúng ta cần có giải pháp toàn diện cho việc bảo vệ và khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Cụ thể: Các công nghệ mới để thu thập dữ liệu hữu ích cho các hệ thống, thí dụ các loại cảm biến, bảng tính, báo cáo... Dữ liệu này đa dạng từ nhiều nguồn, có cả có cấu trúc hoặc không; Các công nghệ truyền dẫn dữ liệu an toàn, tin cậy phù hợp để đưa về lưu trữ. Thí dụ công nghệ 5G có khả năng bảo đảm hàng triệu kết nối cho diện tích 1 km2 rất phù hợp với các nhà máy thông minh, các cảm biến phù hợp với mạng lưới IoT...; Các công nghệ để lưu trữ khối lượng dữ liệu lớn, an toàn, linh hoạt và bảo mật; Các công nghệ để xử lý dữ liệu lớn (big data) phân tích để khai thác dữ liệu; Các công nghệ nền tảng trí tuệ thông minh, máy học... khai thác dữ liệu để tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.

Quá trình này kết thúc sẽ tạo ra dữ liệu mới có thể là đầu vào cho một quy trình mới. Vì vậy, để có các loại dữ liệu hữu ích, các hệ thống xử lý cần được đồng bộ, đa dạng và toàn diện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!