Trên cánh đồng Châu Đốc, Tri Tôn

Đứng trên đỉnh núi Sam, nhìn những cánh đồng lúa xanh bát ngát chạy dài tít tắp tới chân trời xa và những mái nhà lấp lánh nắng dọc hai bờ kênh, trào dâng bao cảm xúc của con dân đất Việt, biết ơn tiền nhân khai sơn phá thạch cõi trời Tây Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng vùng Tri Tôn nhìn từ đỉnh núi Cấm. Ảnh: K.MINH
Cánh đồng vùng Tri Tôn nhìn từ đỉnh núi Cấm. Ảnh: K.MINH

Trời phú cho vùng đất Châu Đốc, Tri Tôn của An Giang những cánh đồng màu mỡ, là vựa lúa lớn nhất Nam Bộ.

Từ thành phố Châu Đốc, theo quốc lộ 91, chúng tôi đến thị trấn Tịnh Biên. Thật xúc động khi thấy biển đề kênh Vĩnh Tế, cách cửa khẩu Tịnh Biên chỉ vài trăm mét. Con kênh nổi tiếng trong lịch sử, được mang tên người vợ ngài án thủ Châu Đốc kiêm quản biên vụ trấn Hà Tiên Nguyễn Văn Thoại. Đó là bà Châu Thị Vĩnh Tế, đã có nhiều công đóng góp và giúp chồng trong quá trình đào kênh đầy gian nan, dân binh chết vì ốm đau, bị thú dữ tấn công, vì đói… Năm 1819, Vua Gia Long xuống lệnh đào kênh. Trải 5 năm ròng, hàng chục nghìn dân binh dưới sự đốc xuất của quan án thủ Châu Đốc Thoại Ngọc Hầu, đổ mồ hôi và cả xương máu. Năm 1824, con kênh bắt nguồn từ sông Châu Đốc, chạy đến sông Giang Thành của Hà Tiên dài gần 90km đã tưới mát cho bao vùng đất khô cằn chỉ bốn mùa có cỏ lác như An Trường, Qưới Thiện… Những làng mới đã sinh ra trên đôi bờ kênh xanh: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông. Dân nhớ ơn ngài Thoại Ngọc Hầu, truyền lại ca dao: “Đi ngang qua cảnh núi Sam/Thấy lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi”. Vua nhà Nguyễn ghi công ngài, đã cho đặt tên núi Sam là Vĩnh Tế sơn; làng cạnh núi là Vĩnh Tế thôn; kênh Châu Đốc - Hà Tiên là Vĩnh Tế hà.

Xứ sở đẹp như thơ mà tôi khi còn là cô bé học lớp 5, đã từng vẽ ra trong trí tưởng tượng theo tiểu thuyết “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức, nay ở ngay trước mắt tôi. Bà Cà Sợi chân chất mỗi lần từ Hòn Đất lên Tri Tôn, mua đồ dùng cho cả nhà và không thể thiếu niêu đất để bà om món gà ri bằng hơi muối bốc lên từ đáy niêu, gà chín sẽ được bà rưới cốt nước dừa thơm mát. Hình ảnh ấy in đậm vào tâm hồn, đến nỗi, tôi chỉ ước sao, khi nào miền nam được giải phóng, nhất định tôi sẽ vào tận Tri Tôn.

Giờ thì Châu Đốc, Tri Tôn giàu đẹp và cả vùng Tịnh Biên xanh ngút mắt đang ở ngay trước mắt. Lúa trổ đòng trĩu bông đưa hương thơm dịu ngọt. Kênh Vĩnh Tế không chỉ đưa dòng nước mát tưới cho hàng vạn mẫu ruộng của An Giang, Hà Tiên, mà còn là đường giao thông thủy và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên vùng biên giới Tây Nam Bộ. Lịch sử ghi danh ngài Thoại Ngọc Hầu và các tướng lĩnh, dân binh đã đào kênh, lập làng, kiên cường trấn giữ biên cương Tổ quốc.

Thắp nén hương trước lăng của ngài và nhị vị phu nhân là bà Châu Thị Tế và bà Trường Thị Miệt đã bay về cõi tiên trước ông. Nhớ ơn công đức tiền nhân khơi dòng nước mát, lập làng, để lại cho con cháu đời nối đời mùa vàng no ấm. Chợt ngùi ngùi trước những ngôi mộ của dân binh, do chính Thoại Ngọc Hầu đưa hài cốt còn rải rác từ các làng về chôn cất cùng trên khu lăng mộ. Văng vẳng trong khói hương câu ca dân truyền tụng: “Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa/Dựng làng mở cõi nắng mưa dãi dầu”. Lòng dân thời nào cũng thủy chung, có nghĩa, có tình với tiền nhân đi mở cõi, giữ nước.