Kỳ 5: Xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong nền lý luận văn nghệ còn lưu giữ được bằng văn bản từ trước tới nay, tuy đã có sự tiếp biến, hấp thu và phát triển, song vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây và Liên Xô (trước đây)... Đã đến lúc phải xây dựng được một nền lý luận văn nghệ thuần túy Việt Nam, từ tổng kết thực tiễn sáng tác, từ lý luận của các bậc tiền bối Việt Nam, từ tiếp thu tinh hoa nhân loại qua tiếp xúc văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

"Thuần túy Việt Nam" là một mệnh lệnh, một sự tự trọng dân tộc đối với người làm văn nghệ. Ảnh: Quang Hưng
"Thuần túy Việt Nam" là một mệnh lệnh, một sự tự trọng dân tộc đối với người làm văn nghệ. Ảnh: Quang Hưng

Món nợ với lịch sử

Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết 33 ngày 9/6/2014 "Về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Nghị quyết chỉ rõ: "Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam".

"Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam", không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sự thôi thúc tự đáy lòng, là món nợ lịch sử mà những người quản lý, hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngày nay phải trả.

Tôi rất đồng cảm với GS Dương Thiệu Tống khi coi hoa văn trống đồng Lạc Việt là một tài liệu triết học-đạo đức, một thông điệp gửi thế hệ mai sau thể hiện được sinh hóa của nguyên khí trời đất và hài hòa vạn vật, không thái quá, không bất cập... Nó không bị sửa đổi, không thể bị xuyên tạc. Ông viết: "Nó đã có trước Khổng Tử, Lão Tử hàng trăm năm, cho nên tìm hiểu triết lý giáo dục trống đồng có thể hiểu rõ hơn triết học Trung Hoa, chứ không phải ngược lại thế" (Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam, NXB Trẻ, 2000, tr.24).

Có người nói: Việt Nam không có hệ tư tưởng, không có triết học, không có hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật… Tôi không tin điều đó. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những giá trị tinh thần mà cha ông ta hàng nghìn đời nay sáng tạo nên. Nhiều lần bị đốt sách, sự đứt gãy từ văn tự Hán Nôm sang Quốc ngữ cùng nhiều nguyên nhân khác, trong đó có chăng sự ảnh hưởng của tư tưởng thực dân? Phan Huy Chú từng than: "Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm… Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng, sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn… Than ôi! Sách vở các đời đã từng tản mát, sách mất đã khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm, biết theo vào đâu mà khảo xét"?

Một nền lý luận văn nghệ thuần túy Việt Nam

Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã có một nền lý luận văn nghệ và những tác phẩm văn nghệ rực rỡ với những tên tuổi lớn như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

Mỗi thời kỳ, đều có bước phát triển mới. Đến thế kỷ 17, vấn đề con người cá nhân, vấn đề thân phận được đặt ra. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, từ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, quan niệm coi văn nghệ là một vũ khí chiến đấu, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được đặt ra một cách có hệ thống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã nêu ra những quan điểm căn bản nhất để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới, trong đó có lý luận văn nghệ. Những quan điểm đó được thể hiện trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946 và được hoàn thiện trong nhiều bài viết, bài nói khác.

Một là, "phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở", làm mục tiêu.

Hai là, có thể học tập cả Đông lẫn Tây, cái gì tốt thì học lấy, nhưng phải xây dựng được "văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam".

Ba là, "Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết".

Bốn là, "văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng".

Rút cục lại, "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". (Xem báo Cứu Quốc số ra ngày 25/11/1946).

"Thuần túy Việt Nam" là một mệnh lệnh, một sự tự trọng dân tộc đối với người làm văn nghệ. Có lần tôi được gặp GS, nhạc sĩ Trần Văn Khê để phỏng vấn về giao lưu văn hóa. Ông nói: "Tiếp thu của người ta là tiếp thu cái tinh hoa, chứ không phải dọn bàn thờ cha ông mình để thờ mấy thằng Tây"!

Và kỳ diệu thay, để lưu truyền tinh thần Việt Nam, với một dân tộc phần đông không biết chữ trước năm 1945, không phải và không thể là câu chữ "thánh hiền", mà chính là văn học truyền miệng, là điệu nhạc, khúc ca, bức họa nơi đồng nội.

Thuần túy Việt Nam trong sáng tác có một Hồ Xuân Hương kỳ vĩ. Xuân Diệu coi Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn vì đã tỏ đến cao độ lòng yêu thương người phụ nữ, tả những cảnh có thực của núi sông ta, vứt hết cả sách vở, khuôn sáo, lấy hai con mắt mình mà nhìn với một thứ tiếng Việt đại chúng trong veo. Blaga Dimitrova trong "Tuyển tập thơ Việt Nam" xuất bản năm 1973 đã dịch 16 bài của Hồ Xuân Hương và đánh giá bà là "một trong những hiện tượng độc đáo nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới". Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính… không hề đọc lý thuyết về chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại nhưng ai bảo sáng tác của những tên tuổi ấy không hiện đại? Đường vào dân tộc chính là đường ra nhân loại.

Lại nói về bổn phận. Có người đọc cho tôi mấy câu thơ của Chế Lan Viên trong Di cảo Ở đất nước ta ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt/ Tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc/ Kiếm làm cho con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường.../ Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ/ Nghĩ mà thương! Rồi người đó nói, văn nghệ vì nhiệm vụ không phải là văn nghệ đích thực, là văn nghệ tội nghiệp. Chế Lan Viên không hề nghĩ như vậy, nói như vậy. Ông chỉ nói "thương". Nhưng đó là một lúc nghĩ. Lúc khác, ông khẳng định thơ phải có ích Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày/ Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ đỡ khổ/ Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngã vào tay (Thơ bình phương-đời lập phương).

Ở một đất nước mà con ngựa đá cũng gian lao, cũng làm bổn phận để "non sông nghìn thuở vững âu vàng" thì sao văn chương nghệ thuật không thể coi đó là bổn phận thiêng liêng?

Chí sĩ Phan Bội Châu từng viết Nay ta hát một thiên ái quốc, Yêu gì hơn yêu nước nhà ta. Trang nghiêm bốn mặt sơn hà, Ông cha ta để cho ta lọ vàng. Lọ vàng ấy không chỉ là giang sơn gấm vóc mà cả những giá trị tinh thần. Từ trong di sản của cha ông, từ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định sẽ có nhiều công trình lý luận văn nghệ thuần túy Việt Nam ra đời, xác định rõ những nguyên lý, quy luật, định luật bất biến và chân trời rộng mở cho sự sáng tạo.

(Còn nữa)