Trong đường lối đối ngoại, đối ngoại đa phương được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những ưu tiên. Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nêu rõ nhiệm vụ: Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi.
Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 xác định: Đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu, và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: Công tác đối ngoại đa phương là chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, trong bối cảnh vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam nhanh chóng mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Năm 2008-2009, Việt Nam lần đầu đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác ba bên, được thiết lập ban đầu giữa Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Senegal về trồng lúa đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam.
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi nhiều dấu ấn. Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc, như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025...
Sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, trong đó, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với sự đồng thuận cao. Việt Nam đóng góp cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc. Việt Nam đã đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine, thông qua Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), UNICEF...
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai bốn lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei, khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Nam Sudan kiêm Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS) Nicholas Haysom đánh giá rất cao đóng góp tích cực, hiệu quả, sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, ý thức kỷ luật cao của các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại UNMISS. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định: "Những nỗ lực cũng như sự sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại Nam Sudan, nhất là trong việc chăm lo cho đời sống, an toàn và sức khỏe của người dân sở tại, đã củng cố và tăng cường sự gắn kết, lòng tin của người dân với lực lượng Mũ nồi xanh".
Hai đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ cứu hộ, cứu nạn sau thảm họa động đất vừa qua cũng nhận được sự đánh giá rất cao của chính quyền và người dân địa phương cũng như cộng đồng quốc tế.
Bằng những hành động thiết thực, cụ thể, Việt Nam đã thể hiện được trách nhiệm, tiếng nói đúng với vị thế ngày một nâng cao.