Tồn tại nhờ kinh nghiệm

Nếu hỏi những nhà đầu tư (NĐT) có thể “thoát hàng” được từ hồi đầu tháng 4, khi VN Index ở vùng 1.500 điểm và hạn chế giao dịch đến thời điểm hiện nay về “bí quyết” thì phần lớn họ đều trả lời chung một ý, đó là kinh nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00

Dấu hiệu rõ ràng

Hãy bắt đầu nhìn lại phiên giảm mạnh từ đỉnh đầu tiên là vào ngày 7/4, khi đó VN Index giảm khoảng 20 điểm, từ 1.522 xuống 1.502 điểm. Tưởng chừng như đây cũng là phiên giảm bình thường, theo kiểu giảm… để tăng, như nhiều lần VN Index chinh phục 1.000 điểm, 1.200 điểm và 1.500 điểm thì lần này, chỉ số tiếp tục lao thẳng xuống vùng 1.300 điểm và có những thời điểm xuyên thủng mốc này trước khi bật lên trở lại. Lúc này những yếu tố rủi ro bắt đầu xuất hiện.

Dấu hiệu của một đợt điều chỉnh dài chính là thanh khoản bắt đầu có sự suy giảm, thông qua việc xuất hiện các phiên có giá trị giao dịch khớp lệnh xuống dưới mốc 20.000 tỷ đồng. Việc VN Index từ vùng 1.300 điểm (ngày 8/6) giảm xuống dưới 1.200 điểm (ngày 20/6) là một tín hiệu rõ ràng hơn nữa về đợt điều chỉnh sâu. Phần lớn những NĐT dày dạn kinh nghiệm nếu không thoát hàng được vào tháng 4 thì đến tháng 6 đã kiên quyết đứng ngoài thị trường, vì tốc độ lao dốc của VN Index ngày một nhanh. Xét trên yếu tố kinh nghiệm thì thời điểm này cũng không khác giai đoạn năm 2008, cuối 2009, hay giữa năm 2018 là bao. Dấu hiệu trên thị trường cho thấy xu hướng giảm từ từ ở đỉnh, rồi sau đó giảm nhanh và từng bước giảm khoảng 200 điểm ở lần điều chỉnh này.

Thử thách cho người thoát sớm

Việc NĐT có thể bán ở đỉnh hoặc thoát sớm ở vùng giá cao chưa bảo đảm sự thuận lợi về lâu dài, vì đơn giản, bán sớm lại có xu hướng mua lại sớm. Một NĐT với thâm niên tham gia thị trường từ năm 2006 chia sẻ, sau khi ngồi im suốt tháng 7, anh bắt đầu quan sát trong tháng 8 và thấy VN Index thường xuyên nằm trên ngưỡng 1.200 điểm, nên đến đầu tháng 9 tiến hành giải ngân một phần. Đến cuối tháng 9, VN Index bắt đầu lao dốc trở lại và chỉ cần 5 phiên đã xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm. Trong khi NĐT giàu kinh nghiệm này kiên quyết bán ra thì vẫn có nhiều người cho rằng, mức 1.000 điểm đã đến gần và thị trường đang rẻ một cách… phi lý và mua vào. Tất nhiên, hệ quả đến giờ thì ai cũng thấy, khi VN Index những ngày qua xuyên thủng 1.000 điểm rồi giằng co cả ở vùng 900 điểm.

Một khác biệt của lần điều chỉnh này và gần nhất là tại vùng dưới 1.000 điểm, so với các đợt điều chỉnh khác là rủi ro bán chéo. Theo đó, khi giải chấp danh mục, vì một số cổ phiếu bị liệt thanh khoản mà công ty chứng khoán phải bán cả những cổ phiếu tốt khác để thu hồi vốn. Điều này chưa bao giờ diễn ra trên thị trường. Cũng có thể thấy rằng, thị trường luôn lặp lại một số quy luật của lịch sử, nhưng mỗi giai đoạn lại có đặc trưng riêng biệt và NĐT phải sẵn sàng để thấy được những rủi ro bất ngờ đó. Và nói như một NĐT dày dạn kinh nghiệm thì mỗi đợt điều chỉnh sẽ phải dài và lâu đủ để một nhóm NĐT mới (F0) chính thức “tốt nghiệp” và trở thành những người dày dạn kinh nghiệm cho những đợt sóng mới về sau.