Lãi bao nhiêu?

Việc có thể lãi vài chục % trong ngắn hạn ở bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) thuận lợi là điều không khó, nhưng bảo vệ được thành quả này trong thời gian dài lại là thách thức ngay cả với những nhà đầu tư (NĐT) dạn dày kinh nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00

Giám đốc đầu tư của một quỹ hàng đầu cho rằng, phải lấy mốc từ một năm để tính lãi, vì khoảng thời gian này đủ dài để cho thấy NĐT có kỹ năng bảo toàn lợi nhuận hay không, rồi thậm chí trong trường hợp có sai lầm, thì sửa sai như thế nào… Và sau mốc một năm, thì phải tiến đến các năm sau có duy trì được tương tự như vậy hay không. Hoặc nói một cách đơn giản thì chứng khoán là cuộc chơi dài hạn nên thời gian phải tính bằng năm.

Với việc lãi suất tiền gửi không cao, thì chỉ cần một phiên cổ phiếu (CP) tăng trần cũng đủ tạo ra tỷ suất sinh lời vượt xa so với một năm gửi tiền tiết kiệm, đó là điều chắc chắn. Giả sử, NĐT không sử dụng lãi vay (margin) để mua chứng khoán thì một phiên tăng trần cũng đủ để tạo ra lợi nhuận 7% (sàn HoSE) hay 10% (sàn HNX), trong trường hợp sử dụng margin theo tỷ lệ 1:1 thì suất sinh lời sẽ tăng gấp đôi, lên 14% hoặc 20%.

Nhìn chung, sau một vài tháng giao dịch phù hợp cộng với may mắn của một xu hướng tăng trên TTCK, không quá khó để NĐT lãi hơn 15-20%, nhưng sau đó làm gì lại là thách thức. Nhiều NĐT chia sẻ, có khi chốt bán xong lãi 15-20% thường có xu hướng mua ngay CP khác và rất dễ bị lỗ ở đoạn này. Nếu tiếp tục lỗ thêm vài lần và mỗi lần 2-3% thì số lãi còn lại sẽ chẳng được bao nhiêu. Có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này: Thứ nhất, lãi lớn dễ dẫn đến tâm lý thiếu thận trọng, thay vì phải tính toán nhìn biểu đồ của CP rất kỹ lưỡng rồi mới mua, thì NĐT thường bán xong có xu hướng mua ngay và sự thiếu chọn lọc sẽ đi kèm với rủi ro. Thứ hai, tâm lý “quen mua” hoặc trong danh mục phải có CP thay vì tiền mặt cũng khá phổ biến, tức là bán xong phải lập tức mua gì đó để danh mục có tài sản. Thứ ba, chính là tâm lý có lãi rồi phải lãi nhiều hơn, chẳng hạn như đặt mục tiêu trong năm lãi 20%, nhưng đến khi đạt được lại muốn 30-40%.

Theo một người có thâm niên trong mảng quản lý danh mục đầu tư phân tích, việc mua đi bán lại liên tục, hay còn được ví von là “nhảy ra - nhảy vào” không đồng nghĩa với hiệu suất cao. Nhiều người thường vẽ ra viễn cảnh lãi CP này 10-20% sau đó mua vào CP khác lãi cũng tương tự như vậy và lặp lại chừng 4-5 lần là có thể lãi từ 50-100%, nhưng thực tế quá khó. Theo vị chuyên gia này, chỉ cần duy trì mỗi năm lãi 20% và kéo dài trong nhiều năm thì suất sinh lời đã là rất “khủng” rồi.

Như vậy, NĐT nên đặt ra một mức lãi “vừa sức” cũng như diễn biến của thị trường, sau khi đạt được, chẳng hạn 10-15% sau vài lần giao dịch thì có thể tạm quan sát rồi mới giao dịch tiếp. Theo một NĐT kỳ cựu, nếu NĐT vẫn muốn mua, vẫn muốn mạo hiểm, thì chỉ nên lấy chính phần tiền lãi ra giao dịch, phần này cho dù có thua lỗ thì NĐT vẫn chỉ bị giảm lãi không đáng kể. Để sinh lời được trên TTCK đã khó, nhưng NĐT cũng cần phải rất chắt chiu để bảo vệ thành quả, việc này cũng không hề đơn giản.