Nhận diện thanh khoản

Nếu nói về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) trong những ngày gần đây thì sự biến động có vẻ nổi trội hơn giá trị giao dịch.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, nhà đầu tư (NĐT) sẽ chú ý nhiều đến việc những cổ phiếu (CP) đầu ngành, vốn hóa lớn (bluechip) tăng mạnh nhiều phiên, hoặc tăng kịch trần trong khi giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh tại sàn HoSE dù cao nhưng vẫn đang ở ngưỡng hơn 20.000 tỷ đồng/phiên và hiếm khi chạm mức 30.000 tỷ đồng/phiên. Câu hỏi đặt ra là với thanh khoản như vậy, thị trường có thuận lợi và rủi ro gì và diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh Quận 3 của Công ty chứng khoán (CTCK) Phú Hưng (PHS) phân tích: Lấy hai mốc TTCK bùng nổ về thanh khoản là năm 2021 (tức giai đoạn Covid-19 hoành hành) và năm 2024 để so sánh sẽ thấy điểm khác biệt cơ bản là tính chọn lọc của dòng tiền. Năm 2021 số lượng mã chứng khoán tăng giá rất rộng. Ngay cả nhiều mặt hàng kém chất lượng, làm giá cũng tăng và hệ quả như đã thấy là nhiều vụ việc bị xử lý hình sự. Còn với năm 2024, tính chọn lọc rất cao khi các mã tăng giá nằm ở nhóm bluechip hoặc những CP tầm trung hoạt động hiệu quả. Nghĩa là thanh khoản năm 2024 nâng cao về chất lượng. Dưới góc nhìn của ông Lê Anh Trí, thanh khoản hơn 20.000 tỷ đồng/phiên tại sàn HoSE là CTCK có thể sống khỏe và thị trường cũng sẽ biến động ổn định.

Trong 20 phiên giao dịch gần nhất, thị trường chứng kiến chỉ hai phiên thanh khoản đạt mốc 30.000 tỷ đồng (phiên 23/2 và 8/3). Việc tiến tới ngưỡng này thật ra không khó với thị trường hiện tại vì VN Index tăng, giá CP cũng tăng và tác động trực tiếp đến giá trị giao dịch tăng, đó là còn chưa kể đến việc thị trường hoạt động hiệu quả thì thu hút nhiều dòng tiền của các NĐT trong nước lẫn nước ngoài. Trong ngắn hạn, dự báo thị trường vẫn sẽ tích cực và thanh khoản có xu hướng duy trì ổn định, tuy nhiên NĐT cũng cần sẵn sàng cho kịch bản thanh khoản tăng mạnh nếu các ngưỡng kháng cự quan trọng như 1.300 điểm hay 1.400 điểm được VN Index vượt qua vì hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, số lượng NĐT tham gia TTCK vẫn đang tăng mạnh, đặc biệt là các NĐT trẻ tuổi giờ đây xem việc đầu tư cũng quan trọng giống như học tập để nâng cao chuyên môn hay tích lũy tài sản. Nhóm NĐT trẻ tuổi, thường dưới 30 tuổi, suy nghĩ cũng thoáng hơn về chuyện đầu tư, nên cũng có thể mở tài khoản, giải ngân nhanh hơn.

Thứ hai, cùng một loại tin tức, nếu trước đây, tác động tâm lý có thể vài phiên thì bây giờ có khi chỉ diễn ra trong phiên, nghĩa là tâm lý của NĐT được củng cố. Thanh khoản sẽ khó có khả năng trồi sụt thất thường nữa mà ngày một củng cố, điều này cũng có thể trở thành nền tảng hút thêm những dòng tiền mới từ cả những NĐT có xu hướng thận trọng.

“Trong ngắn hạn, nếu thanh khoản tăng mạnh, tâm lý của NĐT cũng có thể bị tác động, vì người lạc quan thì cho rằng bên mua mạnh, nhưng người bi quan thì cho rằng bên bán chiếm ưu thế, và thực ra cái gì dồn dập quá cũng không tốt. Sự cẩn trọng vẫn là cần thiết cho bất kỳ thời điểm nào”, ông Lê Anh Trí khuyến cáo.