Khi cổ phiếu bị “ra rìa”

Vì bất kỳ lý do gì, khi cổ phiếu (CP) không có giao dịch, sẽ là rủi ro cho cả doanh nghiệp (DN) và cả cổ đông…
0:00 / 0:00
0:00

Hiện tượng “phân cực” về thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã có từ lâu và ngày càng rõ nét. Dòng tiền tập trung chủ yếu về một nhóm những CP có thanh khoản cao, và thường là những doanh nghiệp làm ăn từ mức tương đối hiệu quả trở lên, đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch. Ngoài ra, còn có một tiêu chí có phần cảm tính nhưng cũng quan trọng, đó là những CP này “quen” với nhà đầu tư (NĐT) vì nhiều lý do khác nhau. Nói tóm lại, CP nào không đạt được những tiêu chí thì nguy cơ giảm thanh khoản, đến mức không còn thanh khoản là hiện hữu, đồng nghĩa với việc sẽ bị thải loại dần trên sàn chứng khoán.

Những NĐT chứng khoán kỳ cựu vốn không lạ gì thuật ngữ “làm thanh khoản”, ám chỉ những động thái can thiệp hoặc lũng đoạn cung - cầu của CP nào đó nhằm tạo sôi động giả tạo. Và trước đây, vẫn tồn tại những suy nghĩ đại loại như CP không có giao dịch thì chỉ cần thuê dịch vụ “làm thanh khoản” thì có thể hồi sinh trở lại và thu hút dòng tiền đổ vào. Nhưng như đã thấy, những vụ thao túng chứng khoán liên tục bị xử nghiêm trong thời gian qua, nghĩa là động thái “làm thanh khoản” cũng hết cửa xuất hiện. Nói cách khác, nếu DN làm ăn không đến nỗi nào, nhưng để CP bị liệt thanh khoản thì việc đưa thanh khoản tăng trở lại là vô cùng gian khó. Cần biết rằng, DN ở trạng thái “không đến nỗi nào” thì cũng có thể có nhu cầu huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, nhưng sẽ rất khó chào bán ra đại chúng nếu CP không có thanh khoản. Vì đơn giản, CP không có thanh khoản đồng nghĩa với công chúng không quan tâm, mà công chúng không quan tâm thì DN không thể phát hành tăng vốn được.

Một số lãnh đạo DN trước đây vẫn có suy nghĩ theo kiểu chỉ tập trung cho kinh doanh, không quan tâm đến CP, sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc trở lại. Trừ khi là những DN đầu ngành, thu hút sự quan tâm lớn từ các NĐT, những DN khác sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động quan hệ NĐT, minh bạch thông tin thường xuyên, để duy trì sự quan tâm trên TTCK. Sự chọn lọc của dòng tiền cũng ngày một khắc nghiệt khi những NĐT trẻ tuổi có thể thay đổi nhanh hơn trong sự lựa chọn. Nói một cách đơn giản, nếu CP không bộc lộ được sức hút, có thể sẽ bị “chán” và thanh khoản sụt giảm nhanh chóng.

Nhìn ở một khía cạnh khác, những CP thanh khoản thấp cũng chính là bài học, cảnh báo cho những DN khi có kế hoạch lên sàn phải thật sự nghiêm túc. Lên sàn với mục đích PR thương hiệu, hoặc chỉ để chốt lãi CP sẽ ngày càng khó thực hiện hơn bởi NĐT không biết DN như thế nào, làm ăn ra sao thì sẽ không giao dịch CP. Mà CP không có giao dịch thì cũng không bán ra được và tên tuổi cũng sẽ bị lu mờ. DN giờ đây muốn lên sàn sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa, chuyên nghiệp hơn từ các hoạt động PR, quan hệ NĐT (IR), cho tới minh bạch thông tin, để TTCK có thể nhìn nhận đa chiều, phù hợp và sâu sắc nhất.