Câu chuyện thị phần

Thị phần môi giới vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng không còn là mục tiêu duy nhất của các công ty chứng khoán (CTCK). Thương hiệu, lịch sử hoạt động, năng lực sẽ tạo nên đẳng cấp và quyết định hướng đi của mỗi CTCK.
0:00 / 0:00
0:00

Nói đến hoạt động của CTCK SSI, chắc chắn nhiều người sẽ không chỉ nghĩ đến hoạt động môi giới vì từ lâu, CTCK này đã thể hiện dấu ấn trong các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, quản lý quỹ, đầu tư… Thời gian gần đây, SSI không dẫn đầu thị phần môi giới, nhưng kết quả kinh doanh “khủng” mà CTCK này đạt được luôn bảo đảm vị thế cho mình. Trong báo cáo tài chính riêng lẻ của quý IV/2023, lãi trước thuế của SSI đạt 616 tỷ đồng, tăng đến 151% so với cùng kỳ 2022.

Hơn một tháng trước, CTCK HSC kỷ niệm 20 năm thành lập với rất nhiều dấu ấn quan trọng. Nhưng không cần đến cột mốc này thì đối với NĐT trên thị trường chứng khoán (TTCK), HSC đã là một thương hiệu lâu đời. Mảng phân tích - nghiên cứu (research) của CTCK này là bảo chứng về chất lượng trong nhiều năm qua.

Mới đây, CTCK BSC, cũng là một trong những CTCK lâu đời nhất trên thị trường, công bố báo cáo rất được NĐT chờ đợi, đó là “Báo cáo triển vọng ngành 2024”. Khoảng chục năm qua, báo cáo của BSC là một sản phẩm đặc sắc của thị trường khi có thể phục vụ được nhiều nhóm NĐT, từ cá nhân, đến tổ chức, người thích đọc vắn tắt cũng được, mà đọc đầy đủ cũng thích thú.

Cả ba CTCK nêu trên đều có bề dày lịch sử, vị thế rất riêng trên thị trường và thị phần là hệ quả của chất lượng dịch vụ.

Nhưng thị phần vẫn có những giá trị riêng biệt, đặc biệt với những CTCK “mới nổi” và tệp khách hàng trẻ. Với những CTCK đang xây dựng tên tuổi thì thị phần có thể là mục tiêu tăng trưởng phù hợp. Mặt khác, với việc số lượng NĐT trẻ tuổi vẫn đang ngày một gia tăng thì thị phần của riêng nhóm khách hàng này có thể là một mảnh đất màu mỡ cho các CTCK muốn “đua tốp”. Nhưng câu chuyện đua tốp thị phần hiện nay có thể nói đã khốc liệt gấp nhiều lần 5-10 năm trước vì hai lý do: Thứ nhất, mức phí giao dịch đã và đang được đưa về mức thấp nhất, thậm chí bằng 0. Nghĩa là có CTCK chấp nhận phí 0 đồng (kèm theo các điều kiện) để phục vụ khách hàng và thu từ những nguồn phí khác. Thứ hai, sự phát triển về công nghệ, cũng như thói quen của những NĐT trẻ có thể khiến sự dịch chuyển tài khoản từ CTCK này sang CTCK khác rất nhanh. Điều này cũng đồng nghĩa CTCK có thể bỏ ra nhiều chi phí hơn để tìm kiếm và giữ chân khách hàng.

Lịch sử đã cho thấy nhiều cuộc dịch chuyển thị phần quy mô lớn nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể giữ thành quả của mình trong thời gian dài. Với quy mô về thanh khoản của thị trường hiện nay, sẽ là hợp lý hơn, nếu CTCK lựa chọn một thị phần phù hợp để xây chắc, rồi từ từ phát triển mở rộng hơn là chỉ chạy đua theo chiều rộng mà bỏ qua chiều sâu.