Đầu tư không thể nóng vội

Dân đầu tư chứng khoán vẫn hay hỏi đùa “Cổ phiếu nào không tăng giá?” và trả lời tếu táo rằng, đó chính là cổ phiếu mà... mình đang nắm giữ. Hoặc cũng có nhiều nhà đầu tư (NĐT) rơi vào trạng thái cứ sau khi bán ra cổ phiếu (CP) nào thì chính CP đó lại tăng giá rất mạnh.
0:00 / 0:00
0:00

Từ giữa tháng 2, tại vùng giá 46.000 đồng/CP, MWG phát ra những tín hiệu tăng giá, nhưng trong bốn phiên từ 21 đến 26/2 CP này lại có biến động mạnh theo chiều hướng giảm, có lúc về sát ngưỡng 43.000 đồng/CP. Tưởng chừng như CP này không thể xuất hiện đà tăng thì từ cuối phiên 26/2 cho đến phiên 5/3, MWG lại tăng 7 phiên liên tục và chạm ngưỡng 50.000 đồng/CP. Trong câu chuyện này, kể cả người mua MWG từ vùng giá 46.000 đồng/CP cũng đã có lãi, nhưng chắc chắn một số người có thể đã bán tại vùng giá gần 43.000 đồng/CP.

Suốt tháng 2, PNJ dao động quanh vùng giá 90.000 đồng/CP, nhưng bất ngờ tăng lên gần 98.000 đồng/CP trong những ngày đầu tháng 3. Tiềm năng hay thương hiệu của PNJ nhiều NĐT đều thấy, nhưng mua và nắm giữ đủ lâu lại là một thách thức vì đơn giản là nhìn quanh, nhiều CP đều tăng mạnh trong thời gian CP này đứng yên. Và thường thì nếu ai chán nản có thể bán ra ngay thời điểm CP này bắt đầu tăng giá.

Câu hỏi là tại sao thường hay xuất hiện việc NĐT bán hớ, bán non, ngay sát thời điểm CP tăng giá?

Có thể kể ra nguyên nhân, dự báo ngắn hạn theo ngày hay theo tuần là điều quá khó, thậm chí vượt quá tầm ngay cả với những NĐT có kinh nghiệm. Nhiều nhận định hướng đến mục tiêu trung, dài hạn cũng là để tránh sự nhiễu loạn trong ngắn hạn. Điểm nghẽn lại nằm ở chỗ, NĐT dù ban đầu hướng đến mục tiêu dài hạn nhưng ngày ngày theo dõi bảng giá chứng khoán thì lại tiếp nhận những biến động ngắn hạn.

Thực tế, thị trường ngày một phát triển bền vững đã và đang góp phần “giúp” NĐT giải bài toán này. Nhìn lại những CP tăng mạnh nhất thị trường trong khoảng một tháng qua, tất cả đều là những CP vốn hóa lớn, vị thế đầu ngành như Vietcombank (VCB), Hòa Phát (HPG), FPT… Tất nhiên những CP này trong ngắn hạn cũng có những diễn biến khó lường vì lượng giao dịch lớn, cộng với tâm lý NĐT sinh ra hiện tượng tăng, giảm xen kẽ.

Như vậy, NĐT sẽ phải chuẩn bị tâm lý cũng như kỳ vọng phù hợp để đi cùng sự phát triển của thị trường. Một NĐT dày dạn kinh nghiệm cho biết, đã từng có thời điểm, chỉ trong vòng hai tuần giao dịch, tài khoản anh lãi 50%, nhưng xen kẽ với đó là những áp lực rất lớn về tâm lý, thậm chí sau khi bán xong lãi lớn, nhưng vẫn áp lực vì giá CP tăng tiếp. Đáng chú ý là sau khi lãi được 50%, thì người này giao dịch trở lại và bị lỗ, cuối cùng cũng chỉ lãi khoảng 30%.

Như vậy, việc kỳ vọng những hiệu suất lãi lớn trong ngắn hạn cần phải được loại bỏ vì thực tế đã chứng minh rất hiếm khi đạt được điều này. Tâm lý đầu tư dài hạn cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng chờ đợi, bỏ qua những biến động ngắn hạn hằng ngày khi lựa chọn được CP có nền tảng hoạt động kinh doanh vững vàng. Chỉ những sự thay đổi theo cách này mới giúp NĐT có được phương pháp đầu tư đúng nghĩa, phù hợp, vì đã đầu tư thì phải dài hạn chứ không thể tính theo từng ngày hay từng tuần.