Kiên nhẫn vẫn có lãi

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn có thể xuất hiện những biến động thất thường trong ngắn hạn, nhưng cơ hội sinh lời vẫn rộng mở với các nhà đầu tư (NĐT) có sự kiên trì.
0:00 / 0:00
0:00

Đầu tháng 11, đã có thời điểm VN Index lùi về ngưỡng 1.020 điểm, thậm chí còn có kịch bản về khả năng chỉ số này giảm xuống dưới 1.000 điểm, nhưng kể từ thời điểm đó, đáy của thị trường cứ được nâng dần lên. Sau khi vượt lên trên ngưỡng 1.100 điểm vào ngày 8/11, rất hiếm khi chỉ số rời khỏi ngưỡng này quá lâu. VN Index thường chỉ có nhiều nhất hai phiên liên tiếp nằm dưới ngưỡng 1.100 điểm. Cứ khi nào VN Index rớt khỏi ngưỡng này thì ngay hôm sau sẽ quay trở lại. Gần nhất, sau khi VN Index đóng cửa dưới 1.100 điểm trong hai phiên 18 và 19/12 thì đến 20/12, chỉ số này đã quay trở lại mốc 1.100 điểm. Quy luật “đáy chỉ được xác định khi đã vượt qua” đang dần đúng khi gần hai tháng về sát 1.000 điểm, VN Index đã bỏ cách ngưỡng này khá xa.

Đó là diễn biến của thị trường chung, còn nếu xét riêng nhóm ngành hay từng cổ phiếu (CP) thì diễn biến còn tích cực hơn. Sau khi tạo đáy ở ngưỡng 26.000 đồng/CP vào đầu tháng 11 thì đến nay, SSI dao động quanh khu vực 32.000 đồng/CP, tỷ lệ tăng giá hơn 23%. Một CP chứng khoán thuộc tốp đầu khác là HCM cũng có diễn biến tương tự. Giá của SSI hay HCM thường chỉ thấp hơn khoảng 10% so với đỉnh khoảng 36.000 đồng/CP hồi quý III vừa rồi. Cũng trong gần hai tháng qua, có những CP còn tăng vượt đỉnh như FRT từ 87.000 đồng/CP vượt qua mốc 100.000 đồng/CP, GMD từ 60.000 đồng/CP vượt 70.000 đồng/CP. Những thống kê này chỉ ra rằng, nếu kiên nhẫn với thị trường, cộng với sự cẩn trọng thì việc có lãi trong giai đoạn khó khăn này không phải nhiệm vụ bất khả thi.

Nếu đi sâu vào tìm lý do vì sao đáy đã và đang thành hình, cơ hội vẫn xuất hiện, nhưng sự lo ngại, hay thậm chí cẩn trọng thái quá của NĐT vẫn còn thì một trong những lý do lớn nhất vẫn là thanh khoản. Dẫn chứng được đưa ra là thanh khoản khớp lệnh tại sàn HoSE hiếm khi vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên mà phần lớn dao động quanh 10.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên. Điều này thực tế đúng tại một số thời điểm ngắn hạn, bởi lẽ dù thanh khoản thấp, nhưng cần lưu ý đây là giai đoạn nhiều NĐT chỉ sử dụng một phần vốn của mình để giao dịch, tức là trong thực tế dòng tiền chờ cơ hội vẫn còn đó chứ không rút đi. Dẫn chứng là dù khối ngoại có bán ròng vài nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn thì dòng tiền trong nước vẫn “cân” dư sức. Đây là lời khẳng định đanh thép nhất về sức hấp dẫn của thị trường trong trung dài hạn và điều quan trọng nhất là nhiều NĐT đã nhận ra và hành động nhất quán. Chiến thuật tương đối phổ biến chính là chọn những CP nền tảng tốt, định giá hấp dẫn mua vào và nắm giữ, hoặc cũng có thể đợi VN Index điều chỉnh giảm xuống dưới 1.100 điểm rồi mua vào. Nếu thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng trong các giao dịch này, cùng với sự kiên nhẫn thì cơ hội vẫn rộng mở cho các NĐT.