Chứng khoán và... vàng

Những ngày qua, việc giá vàng SJC có lúc tăng vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người. Và cũng như nhiều lần trước đó, mỗi khi có một kênh đầu tư dậy sóng thì lại có những ý kiến cho rằng sẽ tập trung nhiều dòng tiền đổ về, thậm chí hút dòng tiền từ những kênh khác. Nhưng thực tế liệu có như vậy?
0:00 / 0:00
0:00

Chỉ báo đầu tiên và quan trọng nhất chính là dòng tiền, thử thống kê giá trị giao dịch (GTGD) trong khoảng một tháng qua, cũng là giai đoạn giá vàng nóng sốt sẽ thấy không có sự sụt giảm trên thị trường. GTGD mỗi phiên vẫn dao động trong ngưỡng 10.000 - 15.000 tỷ đồng trong nhiều ngày, nhiều tuần qua. Mặt khác, đặc thù đầu tư của mỗi kênh cũng có quá nhiều sự khác biệt, lướt sóng chứng khoán sẽ khác với lướt sóng bất động sản hay vàng. Và thực tế thì việc lướt sóng ngắn hạn với vàng là bất khả thi trong phần lớn thời gian. Lý do khá đơn giản: Chênh lệch giữa giá bán và giá mua của vàng có thể lên đến 1 triệu đồng/lượng hoặc hơn nữa. Nghĩa là một người ra mua một lượng vàng và sau đó bán ngay lập tức thì có thể lỗ ngay đến 1 triệu đồng. Như vậy, người mua vàng mà muốn hòa vốn thì phải đợi giá mua tăng lên đến 1 triệu đồng/lượng, đây là điều không dễ gì xảy ra lập tức. Không như chứng khoán, có thể đặt lệnh trực tuyến ở bất cứ nơi nào, mua vàng phải đến tận nơi, mua trực tiếp, điều này cũng là một thách thức. Nói như vậy để thấy rằng, dòng tiền kể cả đầu cơ chăng nữa, muốn dịch chuyển cũng không dễ dàng gì.

Trong thực tế, phần tiền từ các kênh vẫn có thể chảy qua lẫn nhau nhưng chỉ ở mức độ nhất định theo hình thái cất trữ. Chẳng hạn, nhà đầu tư (NĐT) có thể lấy một phần tiền lãi từ chứng khoán để mua bất động sản, hoặc mua vàng, hoặc cũng có thể phân bổ một khoản nhất định tài sản sang vàng theo hướng đa dạng danh mục đầu tư. Nhưng từ câu chuyện này, cũng nên nhấn mạnh đến chuyên biệt hóa trong cách thức đầu tư. NĐT cá nhân có thể tìm hiểu nhiều kênh, nhưng để tối ưu hóa cần tập trung vào một kênh trước tiên. Thống kê gần đây chỉ ra trong năm 2023 có đến vài trăm cổ phiếu (CP) có tỷ lệ tăng giá còn hơn cả tỷ lệ tăng giá vàng. Thậm chí, ngay quý IV/2023 vốn rất nhiều thách thức, VN Index dao động quanh ngưỡng 1.100 điểm rất nhiều lần, vẫn có nhiều CP tăng giá 20-30%, thậm chí phá đỉnh lịch sử… Nghĩa là chứng khoán có thể gặp thách thức trong năm 2023 này nhưng cơ hội vẫn rất nhiều. Năm nay mấu chốt của thành công chính là việc bảo toàn thành quả. Những đợt sóng của năm 2023 lại đan xen bởi những đợt suy giảm rất mạnh, có thể khiến cho những NĐT thiếu cẩn trọng mất sạch phần lợi nhuận thu về.

Nhìn lại, giá vàng đã yên ắng hầu như trong ba quý đầu năm và chỉ bắt đầu rục rịch từ đầu quý IV/2023 và chạy mạnh trong hơn một tháng qua. Cũng như giá chứng khoán có thể lình xình, nhưng chỉ cần 1-2 phiên tăng mạnh là mức lợi nhuận đáng kể. Nghĩa là đầu tư nóng vội hay đầu cơ ngắn ngày sẽ ngày càng khó có cơ hội, NĐT nên xác định tham gia bất cứ kênh nào, cũng phải giữ tầm nhìn dài hạn và kiên nhẫn chờ đợi, học hỏi kinh nghiệm.