Tín hiệu lạc quan

Tính đến phiên giao dịch 22/11 hôm qua, VN Index đã có 11 phiên liên tục nằm trên ngưỡng 1.100 điểm và điều này mở ra khả năng thị trường chứng khoán (TTCK) đang tạo đáy ngắn hạn sau một thời gian diễn biến không thuận lợi.
0:00 / 0:00
0:00

Có một điều chắc chắn là tại lúc này, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã quên hẳn một giai đoạn “u ám” mới diễn ra chưa lâu trên TTCK, khi mới đầu tháng 11, VN Index còn lui về 1.020 điểm. Kể từ đó đến nay, VN Index đã hồi phục khoảng 100 điểm và mở ra nhiều hy vọng.

Sau tâm lý, yếu tố dòng tiền cũng có sự cải thiện theo xu hướng ổn định khi ngưỡng thanh khoản hơn 10.000 tỷ đồng/phiên tại sàn HOSE liên tục được duy trì. Xen kẽ trong các phiên gần đây cũng xuất hiện những phiên có thanh khoản “khủng” ở mức hơn 20.000 tỷ đồng, một mặt cho thấy tâm lý tích cực của NĐT, nhưng mặt khác cũng khẳng định, dòng tiền không hề rời bỏ thị trường hay suy giảm, mà chỉ cần có cơ hội là tăng mạnh trở lại. Thách thức nếu có sẽ nằm ở biến động khá mạnh của dòng tiền, chẳng hạn phiên 17/11 có giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh đạt 22.800 tỷ đồng ở sàn HoSE, nhưng đến phiên kế tiếp thì con số này chỉ giảm còn 15.100 tỷ đồng. Nhìn về tổng thể, thanh khoản thị trường vẫn tốt, nhưng sự tăng/giảm với biên độ khá mạnh trong ngắn hạn sẽ là thử thách tâm lý cho NĐT vì có thể khiến giá cổ phiếu (CP) biến động mạnh khiến NĐT dễ rơi vào trạng thái mua cao hoặc bán thấp. Một tiêu chí khác cũng nên được xem xét là xu hướng dự báo, từ chỗ tự tin, lạc quan bắt đầu chuyển qua thận trọng, thậm chí bi quan. Trong thực tế, đây là một dấu hiệu rất quan trọng để thị trường tạo đáy.

Câu hỏi tiếp được đặt ra là nếu đã xác định VN Index tạo đáy thì NĐT sẽ làm gì để có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời? Điều đầu tiên cần làm chính là bỏ những thói quen, dự báo, chiến thuật của giai đoạn trước, không còn phù hợp ở giai đoạn này. Chẳng hạn, có những CP giai đoạn trước tăng giá rất mạnh, nhưng hiện sức bật đã không còn và nhiều rủi ro…

Nhưng theo một chuyên gia chứng khoán, có hai trạng thái tâm lý tiêu cực dễ mắc phải, đó là chim sợ cành cong và đổ lỗi. Nhiều NĐT đã bỏ lỡ nhịp phục hồi khi VN Index chạm ngưỡng 1.020 có thể vẫn giữ tâm lý tiêu cực về thị trường dẫn đến việc không quay trở lại mà chỉ hoàn toàn giữ tiền mặt. Trong khi nguyên tắc là NĐT có thể giải ngân 1/5 thậm chí 1/10 nguồn vốn để thử nghiệm, giữ cảm giác với thị trường. Đổ lỗi cũng là một tâm lý tiêu cực phổ biến khi một số NĐT cho rằng, khi VN Index điều chỉnh giảm những tháng trước do bị “đè” thái quá, khiến bản thân và nhiều người khác thua lỗ. Ở đây không bàn đến nguyên nhân của thị trường giảm, nhưng cần biết rằng, tăng/giảm dù có mạnh đi chăng nữa thì cũng là thuộc tính của TTCK, NĐT cũng không thể thắng mãi mà phải có lúc thua lỗ, biết chấp nhận và sửa sai.