Mong muốn chung của Đảng, Nhà nước, giới nghề cũng như công chúng là mỗi lĩnh vực ấy, từ sáng tác đến lý luận, phê bình đều phát huy mạnh mẽ tài năng, tiếng nói của những người làm nghề để phục vụ đời sống, làm giàu cho văn hóa, làm đẹp cho xã hội.
Tuy nhiên, còn những nghịch lý liên quan lĩnh vực này với nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng còn thiếu những câu trả lời rốt ráo. Như nhiều ý kiến, nhận xét của các nhà nghiên cứu thời gian qua, đó là làm chuyên môn về lý luận, phê bình rất vất vả nhưng mức độ đãi ngộ, thù lao còn thấp; phê bình có khen, có chê, nhưng nếu chê thẳng thắn thì dễ bị phản ứng; người sáng tác thì hay thích khen hơn chê nên khi chê quá lại dễ mất lòng; thực tế tồn tại phê bình theo kiểu "khen là chính", "phê bình cánh hẩu"; phê bình hàn lâm thì khó tiếp cận công chúng, còn phê bình trên báo chí, hoặc các bài báo đánh giá, nhận xét về tác phẩm văn nghệ thì lan tỏa rộng hơn, nhưng không ít trường hợp sai sót, hoặc sa vào tồn tại như trên; hoặc, phê bình còn "tránh né" thực tế đời sống văn nghệ… Từ đó dẫn tới tiếng nói nghiên cứu, phê bình bị giảm sức tác động với xã hội; sự trân trọng người nghiên cứu, phê bình có phần giảm sút…
Điều này đang được đặt bên cạnh một biểu hiện khá dồi dào về số lượng, lực lượng của giới nghề. Đó là sự xuất hiện của ngành học về lý luận, phê bình ở nhiều đơn vị đào tạo văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc,… là hệ thống viện nghiên cứu nằm trong khối Viện Hàn lâm Khoa học xã hội như viện văn học, đến các viện về mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc tại các trường, học viện. Rồi những hội đồng lý luận, phê bình trong các hội nghề nghiệp về văn học-nghệ thuật cũng như các tạp chí chuyên ngành thuộc các hội đó…
Những thực tế trên đòi hỏi sự rà soát, đánh giá về giới nghề và hiệu quả công tác trên nhiều khía cạnh. Đó là tính chất công việc và khả năng phát huy, lan tỏa các giá trị nghiên cứu vào đời sống. Là hiệu quả, hiệu lực tiếng nói phê bình trên hệ thống báo chí chuyên môn của các viện, các hội nghề nghiệp. Là thực trạng nhuận bút và khả năng khuyến khích đối với các nhà nghiên cứu, làm sách, viết bài nghiên cứu, phê bình. Là việc triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước về việc đãi ngộ, đặt hàng đối với người làm nghề, phát huy vai trò của các giải thưởng về lý luận, phê bình trong giới chuyên môn, trong xã hội…
Từ những đánh giá xác thực và tiếp nhận những kiến nghị của người làm nghề, cần lắm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động lý luận, phê bình; nâng cao bản lĩnh người làm nghề; cải tiến, đổi mới các hình thức truyền thông, xuất bản… để tác phẩm nghiên cứu, tiếng nói phê bình đến gần hơn với đời sống…
Đó là một khối công việc to lớn và cấp thiết nhằm phát huy giá trị, sức mạnh của lý luận, phê bình, vì mục tiêu bồi đắp tri thức, năng lực cảm thụ văn học nghệ thuật của công chúng; cổ vũ và ghi nhận những tác phẩm có giá trị; hạn chế, đẩy lùi những sản phẩm sáng tạo kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến nhận thức, thẩm mỹ của công chúng.