Thúc đẩy quá trình chuẩn hóa

Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là đơn vị hiếm hoi trong số các cơ sở đào tạo nghệ thuật tham gia Đề án 1341 đã hoàn thành một số bộ giáo trình dành riêng cho lớp đào tạo tài năng, được Bộ chủ quản tổ chức nghiệm thu, tiến tới xuất bản chính thức.
Tiết mục dự thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2024 của học sinh Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Ảnh: Lê Minh
Tiết mục dự thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2024 của học sinh Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Ảnh: Lê Minh

XIẾC là một loại hình nghệ thuật có những yêu cầu chuyên môn chuyên sâu và rất đặc thù. Ở cả khu vực Đông Nam Á hiện nay, duy nhất Việt Nam có trường đào tạo chính quy về nghệ thuật biểu diễn xiếc. Đây là cái nôi đào tạo của các thế hệ diễn viên xiếc và tạp kỹ làm việc tại tất cả các đơn vị biểu diễn xiếc chuyên nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó, trường nhận nhiệm vụ đào tạo thường xuyên diễn viên xiếc và tạp kỹ cho hai nước bạn Lào và Campuchia theo diện Hiệp định đào tạo ký kết song phương.

Mặc dầu vậy, phải đến năm 1999, tức là 38 năm sau khi được thành lập, nhà trường mới có thể xuất bản chính thức bốn bộ giáo trình cho bốn môn chuyên ngành: Tung hứng, Nhào lộn, Thể thao, Thăng bằng. Trước đó, các bộ môn này đều có nội dung chương trình giảng dạy cụ thể nhưng được soạn thảo theo hình thức lưu hành nội bộ. Các bộ môn cơ sở ngành, như về âm nhạc, múa, kỹ thuật biểu diễn, hóa trang... chưa có giáo trình riêng, phù hợp với đặc thù của nghệ thuật biểu diễn xiếc, thường được giảng dạy trên cơ sở giáo trình đào tạo chuyên nghiệp của các trường bạn, có lược bỏ bớt những phần, yếu tố nội dung không hoặc ít liên quan đến xiếc.

Trên cơ sở bộ giáo trình chuyên môn được xuất bản chính thức, năm 1999, các giảng viên của trường vẫn cập nhật thường xuyên các yêu cầu mới về động tác, kỹ thuật tập luyện và biểu diễn, thông qua thực tế đào tạo, các chương trình tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước, các chuyến thực tập và biểu diễn phục vụ nhân dân cùng học sinh. “Chính vì vậy, việc cập nhật nội dung và nâng cấp chất lượng đào tạo thực tế nhiều năm qua vẫn được bảo đảm tương đối tốt. Tuy nhiên, có một thực tế khác là bộ giáo trình chính thức các môn chuyên ngành hầu như không phát huy được hiệu quả, tác dụng rất hạn chế. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chưa có điều kiện soạn thảo bộ giáo trình các môn cơ sở ngành để cập nhật và thể hiện được tầm nhìn về chuyên môn đào tạo nghệ thuật xiếc và tạp kỹ trong bối cảnh hội nhập mới của nghệ thuật biểu diễn ở nước ta…”, Hiệu trưởng, Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng bày tỏ.

Ban giám hiệu và các giảng viên đã tận dụng tối đa cơ hội có kinh phí từ Đề án 1341 dành cho biên soạn giáo trình đào tạo tài năng lĩnh vực xiếc để xây dựng những giáo trình mới, đồng bộ từ các môn cơ sở ngành, cơ sở chuyên ngành đến các môn chuyên ngành. Mong muốn của trường là các bộ giáo trình đào tạo tài năng này cũng có thể áp dụng cho quá trình đào tạo chung của trường, có thể sử dụng tốt trong từ 10 đến 20 năm sau. Chính vì vậy, giáo trình của từng bộ môn cơ sở ngành và cơ sở chuyên ngành được cập nhật, đẩy lên yêu cầu cao nhất, không những đáp ứng mà còn có thể đón đầu sự tiến bộ của các em trong lớp đào tạo tài năng mũi nhọn, đồng thời vẫn có các mức độ bảo đảm phù hợp yêu cầu đào tạo cơ bản.

Đặc biệt, lần đầu Nhà trường có cơ hội soạn các bộ giáo trình cơ sở ngành phù hợp thực tiễn đào tạo diễn viên xiếc. Thí dụ, về âm nhạc, không phải mượn hay tự giản lược giáo trình từ chuyên môn đào tạo âm nhạc mà xây dựng môn học mới: Cảm thụ âm nhạc. Tương tự về múa và chuyển động cơ thể, trường đã xây dựng giáo trình bộ môn Chuyển động ứng dụng… Từng môn học mới, tưởng nhỏ bé nhưng lại hết sức thiết yếu trong việc góp phần xây nền tảng dày dặn hơn cho một và nhiều thế hệ diễn viên xiếc mới. Các bộ giáo trình này được xem như là cái gốc căn bản, cốt lõi trong việc vun trồng, đào tạo tài năng của ngành. Đó là sự hội tụ trí tuệ của tập thể giảng viên nhà trường, cộng tác viên tham gia biên soạn cũng như ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia đào tạo giàu kinh nghiệm, các nghệ sĩ nhân dân và ưu tú thuộc nhiều thế hệ vốn cũng trưởng thành từ mái nhà chung của ngành xiếc Việt Nam.

Thực tế lâu nay, để thu hút được khán giả giữa bối cảnh xã hội phát triển đa dạng, phong phú loại hình nghệ thuật và phương tiện giải trí, sân khấu xiếc ngay ở trong nước đã không dừng lại là sự tập hợp các tiết mục đơn lẻ mà còn phát triển lên thành các vở diễn, kết hợp, pha trộn một số loại hình nghệ thuật khác. Bên cạnh những chương trình xiếc được khán giả trong và ngoài nước đón đợi, như “Làng tôi” với hàng trăm suất diễn qua nhiều nước trên thế giới, tác phẩm xiếc mới “Sông trăng” với 16 tháng biểu diễn liên tục tại lần lượt bảy nhà hát ở Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2018-2019, “À Ố Show” với điểm diễn ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh…, nghệ sĩ, diễn viên và học sinh ngành xiếc đã có thêm nhiều cơ hội tham gia những chương trình nghệ thuật tổng hợp, thực cảnh, biểu diễn thường xuyên tại một số điểm đến du lịch quốc tế. Thực tế này thúc đẩy những yêu cầu đào tạo mới ngay tại Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Có thể nói, chuẩn hóa đào tạo tài năng lĩnh vực xiếc bắt đầu từ việc xây dựng và hoàn thiện bộ giáo trình mà Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thực hiện đã cho thấy tác động tích cực từ Đề án 1341.