Hội sách và phố sách:

Thừa hay thiếu?

Nở rộ trong hai chục năm qua, hội sách và phố sách luôn được nhắc tới như những biểu trưng đánh dấu sự phát triển của sinh hoạt văn hóa hay thị trường xuất bản. Nhưng, đặt trong những kỳ vọng và cả những chỉ số không mấy tích cực về văn hóa đọc của chúng ta, hai mô hình ấy liệu có thể làm tốt hơn những gì đang có?
0:00 / 0:00
0:00
Nếu được tổ chức hợp lý, các hội sách luôn là sự kiện quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh | PHƯƠNG HOA
Nếu được tổ chức hợp lý, các hội sách luôn là sự kiện quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh | PHƯƠNG HOA

Xu thế tất yếu

Thực tế, các hội sách và phố sách tại Việt Nam phát triển mạnh nhất từ năm 2004, khi chúng ta ký công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả, đồng thời việc liên kết xuất bản được luật hóa. Trước đó, các phố sách/đường sách chủ yếu xuất hiện mang tính tự phát tại vài đô thị lớn, trong khi những hội sách đầu tiên cũng chỉ được tổ chức thường niên và luân phiên giữa TP Hồ Chí Minh - Hà Nội.

Còn ở thời điểm hiện tại, mô hình hội sách đang liên tục tăng vọt về số lượng với những quy mô và hình thức khác nhau: hội chợ sách cũ - sách cân, hội sách tổ chức trong trường đại học cho sinh viên, hội sách của ngành xuất bản, hội sách tổ chức thường niên ở các thành phố lớn...

Đơn cử, chỉ gắn với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - 21/4 tới đây, độc giả Hà Nội đã có thể lựa chọn tham gia “Hội sách 0 đồng 2023” (do các đơn vị xuất bản Nhã Nam, Skybooks, NXB Tre AZ Việt Nam... tổ chức tại phố Chùa Láng), “Hội sách tháng 4 - Truyền cảm hứng đọc” (do Đinh Tị Books và Thái Hà Books tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ hay “Hội sách Cầu Giấy” (thiên về sách cũ và sách hạ giá, tại Trung tâm thương mại Discovery Complex)...

Thừa hay thiếu? ảnh 1

Một trong những lý do khiến đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) hoạt động hiệu quả là nhờ nằm ở vị trí “trung tâm của trung tâm”.

Trong khi đó, ngoài những đường sách “tự phát” đang tiếp tục được duy trì, mô hình đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) và phố sách 19.12 (Hà Nội) đã xuất hiện với nét mới về sự đầu tư bài bản, chủ động từ sự phối hợp của chính quyền cùng các đơn vị xuất bản. Và, mô hình mới này cũng cho thấy rõ xu hướng được nhân rộng, khi một số đô thị như Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Thủ Đức... đã và đang thiết lập những đường sách riêng cho mình.

“Nhìn từ văn hóa đọc, điểm tích cực nhất ở mô hình này là việc chính quyền cùng người dân đang dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách và muốn đưa sách vào cuộc sống hằng ngày”, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega Plus Books cho biết - “Thêm nữa, hoạt động của đường sách và hội sách cũng giúp cho giới xuất bản có cơ hội tiếp cận sâu với đông đảo độc giả và truyền thông, từ đó khai thác hiệu quả thị trường trong nước”.

Thực tế, trước sự phát triển của cả hai mô hình hội sách và đường sách/phố sách tại Việt Nam, đã có những ý kiến băn khoăn về đặc thù cũng như vai trò riêng của chúng trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên, theo ông Bình, giống như tại các đô thị lớn trên thế giới, các mô hình này đều được phân biệt khá rõ ràng để song song tồn tại theo những thế mạnh của mình.

Cụ thể, sự khác biệt chính giữa đường sách/phố sách và hội chợ sách là sản phẩm, giá cả, hoạt động, các trải nghiệm văn hóa và bầu không khí mà hai loại hình này mang lại. Phố sách tạo ra không gian gần gũi, thân thuộc, độc giả có thể đến thường xuyên, gặp gỡ nhau và tham gia các sự kiện ở đây. Ngoài ra, phố sách có thể sẽ giới thiệu các tác giả và sách địa phương, tuy nhiên các hoạt động này thường có quy mô nhỏ/ vừa và đơn lẻ.

Trong khi đó, các hội sách hằng năm cung cấp nhiều lựa chọn sách hơn, thường có giảm giá hoặc khuyến mãi đặc biệt, kèm theo các hoạt động giao lưu, giới thiệu sách được đầu tư lớn và có tần suất dày đặc trong suốt thời gian diễn ra.

“Nhìn chung, cả phố sách và hội sách đều có những lợi thế riêng và phục vụ những mục đích khác nhau cho độc giả cũng như phía xuất bản”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói. “Tùy theo sở thích và ưu tiên của từng cá nhân, mỗi người có thể lựa chọn trải nghiệm ở phố sách, hội sách hoặc cả hai loại hình này”.

Không thể chỉ là nơi bán sách

Vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực về số lượng và sự đa dạng, các hội sách và đường sách tại Việt Nam cần có thêm những gì để hoàn thiện?

Câu trả lời đến ngay từ cách xuất hiện của các hội sách trên thị trường. Thực tế, bên cạnh các hội sách do ngành quản lý xuất bản và những đơn vị lớn tổ chức, khá nhiều sự kiện “tổ chức bán sách” do các đơn vị nhỏ lẻ hoặc nhà sách ít tên tuổi thực hiện, cũng đang lạm dụng khái niệm này. Và nhìn chung, có một thực tế không vui đã được người làm sách đúc kết: Tại hội sách nào, khu vực hấp dẫn độc giả nhất vẫn là... những quầy sách giảm giá!

“Tôi có cảm giác, hoạt động tại các hội sách nói chung vẫn đi về bề nổi, gắn trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu và không thể bỏ qua việc giảm giá mạnh để giải quyết hàng tồn. Vì thế hội sách vẫn mang ý nghĩa như... ngày hội giảm giá nhiều hơn là nơi gặp gỡ, giao lưu về văn hóa đọc”, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, Giám đốc Công ty sách Binh Book, thẳng thắn.

“Cũng cần thông cảm, bởi xét cho cùng, các đơn vị xuất bản vẫn cần phải bán được sản phẩm thông qua hội sách”, anh nói thêm. “Nếu hiệu quả, họ sẽ tham gia và còn mở thêm nhiều hội sách. Nhưng ngược lại, nhiều hội sách diễn ra xong thì không thể tổ chức lần thứ hai, bởi mô hình quá cũ kỹ và chỉ đặt nặng vấn đề giảm giá”.

Đáng nói, theo mô hình hoạt động phổ biến trên thế giới, hiệu quả kinh tế của hội sách thường không nằm ở lượng sách bán ra mà gắn với việc trao đổi, thiết lập quan hệ đối tác, ký hợp đồng bản quyền giữa các đơn vị xuất bản. Thực tế, đời sống xuất bản tại Việt Nam phần nào chưa đủ phong phú để đáp ứng được điều này.

Bởi vậy, điều nhiều người trông chờ vào hội sách nằm ở việc tạo ra những tương tác tích cực tới văn hóa đọc, như giúp người viết hiểu thêm về độc giả, hoặc giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm háo hức trước những cuốn sách hay. Ở góc độ này, theo ông Nguyễn Cảnh Bình, các hội chợ sách tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cần cải thiện để đáp ứng hết các tiêu chuẩn cần thiết.

“Về tổng thể, tôi nghĩ các hội chợ sách không chỉ nên gắn với những đô thị lớn mà còn cần được tổ chức nhiều hơn, tốt hơn ở các trường học, các địa phương thuộc tuyến huyện và thậm chí là tuyến xã”, ông Bình nói.

“Hội chợ sách có thể là một nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy việc đọc và giáo dục, nếu chúng ta có sự chung tay từ các tổ chức, thành phần xã hội như Hội Khuyến đọc, Khuyến học, Hội Phụ nữ, thư viện, các ban, ngành Thông tin & Truyền thông, Giáo dục, Văn hóa... và dần tăng chất lượng, chiều sâu thông qua các hội thảo, sự kiện, hoạt động giáo dục được tổ chức trong khuôn khổ hội sách”.

Riêng với mô hình đường sách, cũng cần nhắc tới một thực tế: Bên cạnh đường sách Nguyễn Văn Bình tạm thời được đánh giá là thành công, các trường hợp còn lại vẫn đang hoạt động chưa thật hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa sau một thời gian thí điểm như trường hợp đường sách Hai Bà Trưng tại Huế. Như phân tích của giới xuất bản, điều này liên quan khá nhiều tới cách chọn vị trí, cơ chế quản lý, cũng như khả năng điều hành tại từng nơi.

“Vắn tắt, các đường sách hiện có nhược điểm chung: thiếu quản lý chặt chẽ nên để nhiều sách giả, sách kém chất lượng được bày bán; kinh phí tham gia cao nhưng không gian lại hạn chế nên khó thu hút doanh nghiệp; thiếu sự ủng hộ theo hình thức ưu đãi của địa phương”, ông Nguyễn Cảnh Bình nhận xét. “Để cải thiện, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để xây dựng một chuỗi giá trị bền vững cho các hoạt động này, trong đó không thể thiếu các chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn cũng như những kiến nghị để chính quyền địa phương tạo điều kiện”.

Đặc biệt, trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển rất mạnh sau dịch Covid-19, các mô hình phố sách/đường sách truyền thống cũng đang đứng trước rào cản lớn từ việc thay đổi thói quen mua sách của độc giả.

“Tôi khẳng định, mô hình bán sách truyền thống lung lay dữ dội trước mọi hình thức thương mại điện tử từ Tiki, Shopee, Tiktok... Nếu chỉ là nơi bán sách, các đường sách sẽ không có cơ hội cạnh tranh với bán hàng online”, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình khẳng định.

“Bởi thế, muốn tồn tại, phố sách phải là nơi độc giả thấy họ nhận được nhiều hơn các giá trị ngoài việc mua sách. Đó phải là không gian để họ được sống trong sách vở, phải là một sân khấu cho các hoạt động giao lưu, trao đổi, giới thiệu sách... đủ hấp dẫn và tổ chức hằng tuần”.

Theo dịch giả Nguyễn Tuấn Bình: “Chúng ta cần thay đổi tư duy. Muốn có “hội sách” thì “chủ hội” phải đầu tư chất xám và công sức để tổ chức các hoạt động bên lề: giao lưu tác giả - dịch giả, tọa đàm văn hóa đọc, trưng bày ấn bản sưu tầm..., từ đó mới có những động lực thiết thực để khán giả bị thu hút. Muốn có “đường sách” thì “đường” phải có “quán xá lê la”, có các tiện ích về văn hóa đọc và dịch vụ bổ trợ để độc giả trải nghiệm và thư giãn bên cạnh việc mua sách”.