Thời cơ vàng để phát triển

Ba tháng sau khi giành chức vô địch châu Á, Đội tuyển bi sắt Việt Nam đã khép lại một năm thành công bằng tấm Huy chương vàng Giải vô địch bi sắt thế giới năm 2023, diễn ra ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).
0:00 / 0:00
0:00
Tấm huy chương lịch sử ở đấu trường thế giới sẽ mở ra cơ hội vàng để bi sắt Việt Nam phát triển.
Tấm huy chương lịch sử ở đấu trường thế giới sẽ mở ra cơ hội vàng để bi sắt Việt Nam phát triển.

Chiến thắng sau nhiều năm chờ đợi

Năm nay, Giải vô địch bi sắt thế giới lần thứ 19 được tổ chức tại Thái Lan đã thu hút hơn 450 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở nội dung bộ ba nữ, các cô gái Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Malaysia, Myanmar và Pháp (đất nước được xem như cái nôi của bộ môn bi sắt).

Trận chung kết nữ giữa Việt Nam và nước chủ nhà Thái Lan diễn ra đầy hấp dẫn và kịch tính. Trịnh Thị Kim Thanh và đồng đội vươn lên dẫn trước 3-0 rồi 6-1. Song, các vận động viên chủ nhà đã xuất sắc gỡ hòa 6-6.

Với thế trận giằng co, hai đội liên tục bám đuổi tỷ số. Ở khoảnh khắc đội bạn vùng lên dẫn ngược 12-11, những tưởng ngôi vô địch sẽ thuộc về tay chủ nhà Thái Lan. Thế nhưng, Kim Thanh và đồng đội đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời để vươn lên giành chiến thắng chung cuộc 13-12.

"Đây là tấm Huy chương vàng thế giới đầu tiên trong lịch sử. Bộ môn bi sắt đòi hỏi tâm lý vững vàng, sự khéo léo và thông minh để đưa ra phán đoán. Các vận động viên đã thể hiện đúng tinh thần của phụ nữ Việt Nam, quyết tâm vượt qua khó khăn, chiến đấu bằng bản lĩnh và sự tự tin để mang vinh quang về cho Tổ quốc", Phụ trách bộ môn bi sắt Cục Thể dục-Thể thao Đoàn Tuấn Anh chia sẻ.

Thiếu từ... sự quan tâm

Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, từ tấm huy chương vàng châu Á giành được tại Malaysia, bi sắt Việt Nam đã liên tục gây tiếng vang với bạn bè thế giới. Thế nhưng, không phải ai cũng biết đến bộ môn thể thao này nên đội tuyển cũng như các vận động viên rất khó khăn để tìm kiếm những nguồn tài trợ và đầu tư.

Ở khu vực Đông Nam Á, bi sắt Thái Lan mạnh nhất với nhiều vận động viên được tập huấn, thi đấu tại các giải quốc tế. Còn Việt Nam, Campuchia và Lào chỉ xếp ở nhóm sau.

Từ năm 2005 đến nay, đội tuyển cũng chỉ mới một lần được tập trung dài hạn hơn sáu tháng, còn lại đều rất ngắn ngày. Những đợt tập huấn nước ngoài được xem là vô cùng "xa xỉ".

Nhìn vào trường hợp của hai vận động viên Kim Thanh và Diễm Trang. Dù đầu quân cho tỉnh Bình Dương từ năm 2017, cả hai cô gái phải di chuyển quãng đường hơn 80 km mỗi ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố Thuận An để tập luyện.

Nếu không thi đấu giải, cả hai sẽ luyện tập trong một buổi rồi trở về nhà. Trong thời điểm cần chuẩn bị thi đấu trong nước và quốc tế, mỗi ngày phải dành ra hai buổi, cả thầy lẫn trò sẽ mắc võng nghỉ trưa ngay tại sân tập nhằm dưỡng sức cho buổi chiều.

"Đội tuyển bi sắt ít được chú ý vì đây không phải môn thể thao trọng điểm. Bi sắt thuộc nhóm ba nên chắc chắn sẽ không được đầu tư như điền kinh hay bơi lội vốn thuộc nhóm đầu. Khó khăn lớn nhất không hẳn là kinh phí mà ở sự quan tâm. Môn này gần như không được quảng bá, truyền thông nên ít người biết đến", huấn luyện viên Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn bi sắt, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục-Thể thao Hà Nội, nhận định.

Tại các tỉnh phía nam như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, nhiều quán cà-phê, nhà hàng đều có sân bi sắt để phục vụ người chơi. Song, để đầu tư bài bản và mang về thành tích cao thì không nhiều địa phương thực hiện được.

Dù không được quan tâm nhiều như các môn thể thao thành tích cao khác, các vận động viên bi sắt vẫn bền bỉ, nỗ lực giành "vàng" về cho Tổ quốc. Có thể kể đến tấm Huy chương vàng đơn nữ của Nguyễn Thị Hiền ở sân chơi châu lục năm 2009, Huy chương vàng ở các kỳ SEA Games năm 2003, 2015, 2017 và 2021.

"Bi sắt không chỉ là đam mê mà còn là sự nghiệp và cuộc sống mà các vận động viên quyết tâm gắn bó tới cùng. Tất cả đều sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh để giành lấy vinh quang. Hai chức vô địch ở đấu trường châu Á và thế giới trong năm 2023 chính là lời khẳng định cho những nỗ lực âm thầm của các thành viên đội tuyển", huấn luyện viên Vũ Khang Duy, người thầy đã sát cánh cùng các cô gái Việt Nam tại Thái Lan, chia sẻ.

Theo ông Đoàn Tuấn Anh, Cục Thể dục-Thể thao đang rà soát những bộ môn chưa có liên đoàn và sẽ tạo cơ chế để hoàn thiện. Mặc dù vậy, điều cần nhất lúc này là các địa phương sớm chuẩn hóa về cơ sở vật chất, như đầu tư sân bãi có mái che và các thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu bảo đảm tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần hỗ trợ tích cực để vận động viên có cơ hội đi tập huấn, tham dự thi đấu các giải quốc tế nhiều để nâng cao trình độ.