Thênh thang miền thổ cẩm

Cuộc sống trôi đi quá nhanh nên mỗi khi muốn sống chậm lại, không ít người đã tìm về những ngôi làng giản dị. Ở Quỳ Châu (Nghệ An) có nhiều ngôi làng yên bình, đã nỗ lực phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân. Điều đáng nói, nhờ những đôi bàn tay khéo léo, sản phẩm thổ cẩm của người Thái nơi đây đã chinh phục không chỉ khách trong nước, mà còn được rất nhiều khách quốc tế yêu thích.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp trang phục thiếu nữ dân tộc Thái. Ảnh: Đình Tuân
Vẻ đẹp trang phục thiếu nữ dân tộc Thái. Ảnh: Đình Tuân

Khôi phục nghề cổ sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt

Theo tiếng réo rắt gọi của các cọn nước từ những con suối trong mát, những con đường rực sắc hoa, tôi tìm về làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đi trong không gian thanh bình, với gần 300 ngôi nhà sàn cổ nép dưới bóng cây xanh, tôi càng cảm nhận rõ cuộc sống êm đềm, no ấm của miền quê xứ núi này. Nơi những con đường, con ngõ, trẻ em hồn nhiên chơi đùa. Nhiều vị khách trong nước và nước ngoài đang ghi lại nụ cười tươi rói bên bờ rào cây, dưới bóng đào, mận đang trổ thắm hoa. Trong mỗi ngôi nhà sàn phục vụ du lịch còn bày bán một thứ đặc sản độc đáo, đó là thổ cẩm, mặt hàng thủ công truyền thống được người dân truyền từ đời này sang đời khác. Chị Sầm Thảo Trang, chủ cơ sở homestay Bích Trang, chia sẻ: "Người dân các xã chung quanh đây dù làm việc nương rẫy, buôn bán, nhưng mỗi lúc rảnh rỗi lại miệt mài bên khung cửi. Mỗi đường hoa văn, mỗi tấm thổ cẩm đều thể hiện tình yêu lao động, yêu quê hương của người dân tộc Thái. Nghệ thuật dệt thổ cẩm là một phần của cuộc sống hằng ngày nơi đây".

Cầm tấm khăn thổ cẩm trên tay, chị Trang giới thiệu thêm, với chất liệu mượt, mát, mỗi người đều có thể nhận ra ở mỗi tấm khăn, khuôn vải đều có dấu ấn phối mầu đầy tinh tế được người dân đã đúc rút kinh nghiệm trao truyền qua các thế hệ. Yếu tố cảm xúc của người dệt tạo nên mầu thắm của hoa, mầu xanh của rừng, mầu vàng của mặt trời,… Ví như những người con gái đang ở độ tuổi cập kê thường chọn mầu sáng tạo nên sự bay bổng của sản phẩm dệt, còn người phụ nữ qua nhiều thăng trầm lại thiên về gam mầu trầm, đậm...

Qua chia sẻ, được biết, mẹ của chị Trang là Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Bích, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, một trong những người có công trong việc truyền dạy, phát triển nghề thổ cẩm ở Quỳ Châu. Đang dở câu chuyện, nghe tiếng vọng từ cửa, chị Trang bảo: "Mẹ em về đấy!".

Bà Bích trở về sau chuyến ra Hà Nội giới thiệu sản phẩm cùng con gái là Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Tình. Bà Sầm Thị Bích xởi lởi: "Nghề dệt thổ cẩm ở Châu Tiến nói riêng, Quỳ Châu nói chung có từ lâu đời. Khi tôi còn bé, các mẹ, các chị đã dạy cho từng đường thêu, từng cách nhuộm sợi. Người già trong các bản xác nhận, nghề đã có từ hàng trăm năm, phát triển cùng với văn hóa của người dân tộc Thái".

Thế nhưng, nghề thổ cẩm của người dân cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi các mặt hàng vải công nghiệp giá rẻ, nhiều nơi chọn dùng quần áo may sẵn cho tiện, việc gìn giữ nét đẹp thổ cẩm không được quan tâm. "Gần 20 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực gìn giữ, đánh thức tình yêu nghề trong giới trẻ và phát triển du lịch. Nói thì dễ, nhưng để có được như hôm nay, với nhiều sản phẩm đẹp, chinh phục nhiều khách trong nước và quốc tế là cả một hành trình dài", bà Bích bộc bạch.

Hành trình đó là sự nỗ lực của bản thân bà Bích cũng như những người còn giữ "bí kíp" về nghề và người dân chăm chỉ, yêu văn hóa Thái. Họ được sự động viên của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng đầu tư hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nhuộm tơ và cải tiến mẫu mã chất lượng hàng hóa,... Từ đó, người dân tộc Thái ở Hoa Tiến luôn đi đầu trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm được bày bán tại lễ hội Hang Bua, Thẩm Ồm và nhiều lễ hội khác trong khu vực, du khách đã lựa chọn sản phẩm như những món đồ lưu niệm giàu ý nghĩa.

Tiếp nối niềm đam mê của mẹ, bà nội, nghệ nhân Sầm Thị Tình cũng dành nhiều tâm sức để khôi phục giá trị thổ cẩm thông qua việc mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường. Chị Tình trăn trở, không thể chỉ bán cho khách trong nước và khách lẻ nước ngoài đến Nghệ An, mà cần tìm đến những thị trường tiềm năng khác. Năm 2015, chị Tình mở cửa hàng thổ cẩm tại Hà Nội, với tên giao dịch tiếng Anh là "Hoa Tien Brocade". Cửa hàng đã giúp chị quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho bà con. Ngoài ra, chị Tình còn sử dụng mạng xã hội, mở rộng kênh chào bán sản phẩm, liên kết với các hợp tác xã thổ cẩm ở nhiều địa phương khác, giúp thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn. Mỗi năm, có hàng nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Sầm Thị Tình tự hào: "Với người dân quê tôi, thổ cẩm thể hiện một nét văn hóa độc đáo, chuyển tải tình yêu quê hương, đất nước và niềm lạc quan trong đời sống".

Thênh thang miền thổ cẩm ảnh 1
Nghệ nhân Sầm Thị Bích nỗ lực để sản phẩm dệt vươn xa.

Nỗ lực lan tỏa nét tinh hoa

Còn nhớ, năm 2007, Hoa Tiến được công nhận là "Làng có nghề" thì nhiều bà con đã vui sướng, nỗ lực hơn nữa trong trồng dâu, nuôi tằm. Sau biết bao cố gắng, năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận Hoa Tiến là "Làng nghề dệt thổ cẩm". Kể từ đó, nghề dệt thổ cẩm nơi đây và các xã chung quanh phát triển không ngừng. Đến nay, riêng ở xã Châu Tiến đã có 250 xã viên và trên hàng chục hộ trồng dâu nuôi tằm. Nhờ thế, đời sống kinh tế, văn hóa của người Châu Tiến nói riêng, huyện Quỳ Châu nói chung đã được cải thiện, nhiều hộ gia đình có của ăn của để, trang hoàng nhà cửa, không gian đường xóm, đường bản, tạo cảnh quan sạch đẹp.

Nghệ nhân Lương Thị Luyên, xã Châu Bính, chia sẻ, chính những người ở Hoa Tiến đã làm cho nghề dệt ở nhiều xã trong huyện Quỳ Châu được tốt lên. Khi cuộc sống của đồng bào no ấm thì cái khung cửi cũng được thương quý hơn nhiều. Trong khuôn viên mỗi ngôi nhà sàn, đều đặt hai khung cửi để người dân vừa làm, vừa tiện cho khách tham quan. "Nét độc đáo của thổ cẩm Quỳ Châu là bảo tồn những giống tằm địa phương cùng công việc canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn ở địa phương để chế thuốc nhuộm mầu. Đến nay, chúng tôi đã chế ra được 52 mầu để nhuộm cho ra nhiều mầu sợi khác nhau", bà Luyên tâm sự.

Phải kể thêm, để tạo ra được những tấm thổ cẩm đẹp, người Thái phải tiến hành nhiều công đoạn vất vả, tỉ mỉ, bắt đầu từ việc trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm cho đến việc cắt may, thêu thùa,… Nguyên liệu để làm ra trang phục chủ yếu là sợi bông và sợi tơ tằm. Nghệ nhân Lương Thị Luyên cho hay: Sau khi thu hoạch bông từ nương về, để tạo thành sợi phải trải qua rất nhiều các công đoạn sơ chế như cán bông, bật bông, quấn bông, se sợi, hồ sợi. Còn tằm, sau khi đã vào kén để kéo thành sợi tơ cũng phải tiến hành các bước như rút sợi (sáo lọc), cuốn sợi tơ thành con, se sợi đơn thành sợi đôi, xử lý tơ cho mềm mới có thể dùng để dệt nên các trang phục hay đồ dùng sử dụng trong đời sống hằng ngày. Mong mỏi có ngày một nhiều hơn những người dân sống được từ nghề dệt truyền thống, nghệ nhân Sầm Thị Tình trăn trở: "Chúng tôi đã được tạo điều kiện, giúp đỡ và mong tiếp tục được giúp đỡ để sản phẩm đến tay nhiều người hơn nữa. Song, bản thân mỗi người làm nghề cũng phải cố gắng hơn nữa".

Xuân về với làng, xóm. Xa xa thấp thoáng bóng các thiếu nữ Thái xúng xính váy áo, khăn choàng mang sắc mầu thổ cẩm, theo chân người tình xuống núi vui hội ném còn, hát điệu ru xuân. Bỗng nghe đâu đó vọng lên câu hát: "Tháng Giêng em trồng bông/ Tháng Năm em đi lượm/ Khi cưới về nhà chồng/ Không có ai cho mượn/ Bây giờ lên khung cửi/ Làm nệm kính biếu cha/ Dệt khăn dành cho mẹ/ Thêu gối tặng cho chàng...".

Làng Hoa Tiến đã xây dựng bảo tàng Pỉ Noọng lưu giữ rất nhiều hiện vật quý, trong đó có những chiếc áo váy của người Thái cổ. Pỉ Noọng trong tiếng Thái có nghĩa là anh em. Vì thế đồ dùng, các vật phẩm của tất cả các dân tộc anh em đều được sưu tầm, giới thiệu. Đặc biệt bảo tàng có một bộ váy áo truyền thống của người Thái vẫn còn nguyên vẹn dù đã được lưu truyền 120 năm qua.