Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ được tổ chức theo chương trình mới nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học, mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi sẽ bám sát mục tiêu chương trình; đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Mỗi thí sinh thi bốn môn trong đó có hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12; các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, chỉ riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đối với các môn thi trắc nghiệm cũng được đổi mới gồm có các câu hỏi đúng-sai và phần điền nội dung trả lời.
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 11 (Hà Nội) chia sẻ: “Em thấy đề thi minh họa của Bộ vừa công bố rất mới, lạ. Tuy các câu hỏi không bị gò bó trong sách giáo khoa, nhưng chính việc mở rộng ra ngoài đời sống nhiều cũng khiến chúng em thêm lo lắng, áp lực”.
Còn các chuyên gia, trong đó có cả các giáo viên trực tiếp giảng dạy cho biết, đã nhiều năm, giáo dục phổ thông chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ thói quen “văn mẫu”, tập trung vào học thuộc lòng và sao chép, “học tủ”... Với sự thay đổi đột phá trong chính sách ra đề thi mở của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới phương pháp thi, kiểm tra nhằm phát triển tư duy phản biện và kỹ năng lập luận độc lập của học sinh. Chính sách này không chỉ mang đến một cách tiếp cận mới trong đánh giá học sinh mà còn thúc đẩy phát triển tư duy phân tích, phản biện và suy nghĩ độc lập, sáng tạo phù hợp với đòi hỏi của nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục nghề nghiệp cho rằng, việc ra đề thi mở sẽ đòi hỏi học sinh phải phát triển kỹ năng đọc hiểu sâu sắc. Bằng cách trình bày nội dung với các tình huống thực tế và câu hỏi mở, học sinh không còn chỉ đọc để hiểu bề mặt mà phải phân tích, diễn giải, và liên kết kiến thức vào thực tế. Theo nghiên cứu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các kỹ năng đọc hiểu sâu có liên quan mật thiết đến khả năng giải quyết vấn đề, một kỹ năng cốt lõi trong xã hội hiện đại. Cách tiếp cận mở của các đề thi mới được kỳ vọng sẽ giúp học sinh nâng cao năng lực hiểu biết, cải thiện kỹ năng, nâng cao hiệu quả lao động trong tương lai.
Đề thi mở không chỉ đưa ra những biện luận một chiều, đúng hoặc sai một cách áp đặt, định hướng sẵn, mà yêu cầu học sinh phải đưa ra lý lẽ, lập luận, tư biện và giải thích rõ ràng cho quan điểm của mình.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo, mặc dù có nhiều lợi ích như đã phân tích, nhưng nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, chính sách đề thi mở có thể gây ra sự lúng túng cho cả giáo viên và học sinh, làm giảm hiệu quả thực tế của mục tiêu phát triển tư duy và kỹ năng của học sinh. “Việc thiếu sự chuẩn bị kỹ năng cho giáo viên một cách chu đáo có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong việc đánh giá, khiến học sinh và phụ huynh giảm niềm tin vào hệ thống giáo dục, từ đó có thể làm chùn bước tiến đổi mới mà chính sách đề thi mở mong muốn đạt được”, TS Hoàng Ngọc Vinh lưu ý thêm.
Nhìn nhận ở góc độ mục tiêu và tính ứng dụng của kỳ thi, TS Trịnh Xuân Đức (Viện trưởng SIIEE) phân tích, cách ra đề lần này sẽ giúp tăng mức độ phân hóa để đánh giá học lực, học sinh khá hơn có cơ hội vào học đại học cao hơn. Điều đáng chú ý là cách ra đề Ngữ văn cũng yêu cầu cao hơn, không nhất thiết sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Cái mới thường luôn có thách thức vì thế đòi hỏi công tác chuẩn bị thi cần tốt hơn, nhất là với các trường và các thầy cô. Để các em học sinh có thể làm tốt bài thi, thầy cô rất cần sáng tạo, rèn dạy kỹ năng viết, kỹ năng tư duy, tranh luận... trước kỳ thi để khi bắt tay vào làm bài sẽ tự tin hơn.
Đề cập đến những băn khoăn của cả học sinh và giáo viên, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đúng như yêu cầu của chương trình 2018 là hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh, vậy nếu các em trong quá trình học tập tích lũy đầy đủ tri thức cần thiết, rèn luyện năng lực, phẩm chất tốt thì dù có mở rộng ngữ liệu đưa vào đề thi, dù có trong hay ngoài sách giáo khoa, các em vẫn có thể đáp ứng được.
Việc ra đề thi mở cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 là một bước tiến đột phá trong hệ thống giáo dục Việt Nam, không chỉ giúp phát triển kỹ năng đọc hiểu, viết và tư duy lập luận mà còn góp phần hình thành một thế hệ học sinh với khả năng phản biện và tư duy độc lập cao.