Dự thảo đưa ra sáu tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.
Trước mắt, Hà Nội khuyến cáo các quận, huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế, có thu phí đối với xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi xe phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng LEZ.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó ô-tô gần 1,5 triệu xe. Và giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 - nồng độ bụi mịn trong không khí lớn nhất cho Thủ đô, chiếm đến 50-70% trong các nguồn gây ô nhiễm.
Việc xây dựng vùng phát thải thấp là xu hướng tất yếu, cần nhiều giải pháp để thực hiện, tuy nhiên, khi triển khai quy định hạn chế ô-tô, xe mô-tô, gắn máy… chạy bằng xăng, dầu tại một số khu vực cần đánh giá kỹ về tác động tới đời sống của người dân. Thành phố cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chú trọng tính kết nối hợp lý và thuận tiện. Các quận, huyện căn cứ vào các tiêu chí để xác định và lập hồ sơ xây dựng vùng phát thải thấp phù hợp điều kiện, đặc thù và năng lực của địa phương.
Vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị, cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm kinh tế, xã hội, mức độ ô nhiễm và có lộ trình cụ thể, để bảo đảm tính khả thi. Vì thế, mô hình này cần được nghiên cứu một cách kỹ càng, thận trọng hơn trước khi thí điểm.