Những kết quả khả quan
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2024, cả nước đã đưa được hơn 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, một con số khả quan (mục tiêu của cả năm là từ 125.000 lao động trở lên). Dẫn đầu các thị trường tiếp nhận là Nhật Bản với 62.722 người, Đài Loan (Trung Quốc) với 48.533 người, Hàn Quốc với 10.877 người…
Có được kết quả quý báu này, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp còn nhờ chính sách của một số quốc gia. Cụ thể, tại Nhật Bản, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Kiểm soát nhập cư (sửa đổi), qua đó, thiết lập hệ thống đào tạo lao động nước ngoài để thay thế Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (cũ), nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn, giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do già hóa dân số. Điểm đáng lưu ý là, hệ thống đào tạo lao động nước ngoài mới của Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động giản đơn và đào tạo trong ba năm, đến cấp độ “loại 1 - công nhân có tay nghề cụ thể”. Sau thời gian làm việc khoảng 5 năm, những lao động này vượt qua kỳ thi “loại 2” với kỹ năng nâng cao, sẽ được phép ở lại làm việc tại Nhật Bản vô thời hạn và mang theo gia đình. Một điểm nữa, người lao động nước ngoài có thể xin thay đổi làm việc tại công ty khác cùng ngành, miễn là đã làm việc một nơi trong hơn một năm, và bảo đảm khả năng tiếng Nhật, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn của công ty mới.
Ở lĩnh vực lao động thời vụ, hai năm qua, công tác xúc tiến, ký kết đưa lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài cũng khá sôi động tại nhiều tỉnh, thành phố. Thí dụ, với riêng phía Hàn Quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ký thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ với thành phố Asan; tỉnh Quảng Nam ký thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động với quận Seongju, tỉnh Gyeongsangbuk; tỉnh Bạc Liêu ký thỏa thuận với huyện Uiseong, tỉnh Gyeongsangbuk… Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, thỏa thuận này có nhiều ưu điểm, như mức chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu cao về trình độ, công việc làm đơn giản, thời gian đi ngắn (90 ngày đối với thị thực C-4 hoặc 5 tháng đối với thị thực E-8), thu nhập khá cao. Do đó rất phù hợp với nhiều lao động giản đơn ở nước ta.
Hướng tới thị trường có thu nhập cao
Nhìn nhận ở tầm vĩ mô, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Thời gian qua, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là biện pháp an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo...”
Nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước, cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Theo đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, nhiều cá nhân, sau khi về nước, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu.
Từ những kết quả đạt được, theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng thị trường là rất khả thi song Việt Nam vẫn phải tích cực hơn nữa, hướng tới đưa lao động đến các thị trường có mức thu nhập cao. Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, cho hay, ngoài các thị trường truyền thống, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tập trung “vươn tay” đến một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm thị trường ở Slovakia, Croatia, Ba Lan...
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện thúc đẩy đưa lao động sang làm việc ở Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha… Song các doanh nghiệp cung ứng lao động cũng gặp không ít khó khăn, do chưa có đầy đủ thông tin về thị trường lao động tại các quốc gia này. Đó là chưa kể đến việc lao động của Việt Nam còn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cao, sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung ứng lao động từ các quốc gia khác...
Bởi vậy, không ít chuyên gia cho rằng, chất lượng lao động vẫn là “chìa khóa” chính để mở cửa đưa lao động đến các quốc gia đòi hỏi kỹ thuật nghiệp vụ cao. Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng giải pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động; tích cực hướng dẫn, tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết, bảo đảm người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn, hiệu quả.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đã đề xuất bổ sung đối tượng vay vốn, tạo điều kiện cho nhiều người có thêm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, như người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng…