Miền bắc năm 1970, vẫn đang phải hứng chịu những cuộc đánh phá bằng đủ loại bom, mìn của đế quốc Mỹ. Tất cả các hoạt động thể thao, văn nghệ đều rất hạn chế, các sân vận động trong trung tâm Thủ đô đều phải đóng cửa để phục vụ hoạt động quân sự. Giải bóng đá vô địch miền bắc vẫn được tổ chức nhưng phải sơ tán về những làng, xóm hẻo lánh xa Hà Nội. Sân bóng nào cũng có hầm trú ẩn được đào ngay bên cạnh để tránh tình hình xấu trong khi thi đấu. Thế nhưng, trong bom đạn khói lửa khốc liệt đó, ta và Mỹ đã đạt được thỏa thuận đình chiến ba ngày để kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 Việt Nam. Thời điểm đó, đội Thể Công đang sơ tán tại làng Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức được lệnh của Bộ Tổng tham mưu hành quân về doanh trại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) để tập trung chuẩn bị thi đấu với đội tuyển quốc gia Cuba phục vụ Đại lễ.
Trận đấu thu hút rất đông người đến xem.
Sự kiện này được người dân quan tâm một cách đặc biệt. Những người hâm mộ từ khắp các tỉnh thành miền bắc đều đổ về Hà Nội để xem bóng đá và lễ kỷ niệm Quốc khánh. |
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải bồi hồi nhớ lại: “Trước đó chúng tôi chỉ là đội trẻ, được đi tập huấn ở Triều Tiên năm 1968 và Hungary năm 1969 để nâng cao trình độ. Khi về, được cọ xát với các đội bóng lớn trong nước và lứa chúng tôi dần dần đều có tên trong đội hình 1 của Thể Công. Biết tin sắp được đá với đội nước ngoài ai nấy đều háo hức, khi đó ở miền bắc rất ít thông tin, chỉ nghĩ mấy đội bóng châu Âu hay Trung Quốc, Triều Tiên sang là ghê lắm rồi, chứ đâu có ngờ là được đón những cầu thủ... da đen, da nâu to cao khỏe mạnh, khéo léo ở tận nửa vòng trái đất như châu Mỹ. Thế nên hôm sau, toàn thể đội bóng “từ trên xuống dưới” đều ra sân bay Gia Lâm đón đội tuyển Cuba, tặng hoa, tay bắt, mặt mừng... “xì xà, xì xồ” cảm động lắm!”.
Từ năm 1964 trở về trước, không có bất cứ đội bóng nào được thi đấu trên sân Hàng Đẫy, đặc biệt là không có một đội bóng nước ngoài nào đến thi đấu. Bên cạnh đó, khói lửa chiến tranh dường như đã làm người dân miền bắc, mà đặc biệt là người dân Hà Nội quên đi những trận cầu sôi động. Chính vì vậy, sự kiện này được người dân quan tâm một cách đặc biệt. Những người hâm mộ từ khắp các tỉnh thành miền bắc đều đổ về Hà Nội để xem bóng đá và lễ kỷ niệm Quốc khánh. Lúc đó chưa có truyền hình, ai cũng muốn có tấm vé vào sân cho bằng được. Vé chợ đen tăng lên chóng mặt, có khi một tấm đến cả chỉ vàng.
Còn các cầu thủ Thể Công đều háo hức, tập luyện hăng say, ai cũng muốn có tên trong danh sách thi đấu chính thức của HLV Mười Tiền. Tinh thần các cầu thủ còn được củng cố hơn nữa khi được hai vị tướng Vương Thừa Vũ và Cao Văn Khánh đến thăm trước ngày thi đấu. Ông Vũ Mạnh Hải vẫn nhớ rõ từng lời Tướng Vương Thừa Vũ: “Tôi và anh Khánh đến thăm các đồng chí, chúc các đồng chí khỏe, đá đúng đấu pháp mà HLV đã tập kỹ với từng vị trí. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn chúng tôi truyền đạt lại ý kiến như sau: Các cầu thủ Cuba đại diện cho nhân dân Cuba sang thăm Việt Nam lúc chiến tranh như thế này là rất quý. Họ là những người bạn thân của Việt Nam, do đó chúng ta phải đá làm sao cho thật hữu nghị. Hữu nghị là gì? Là phải quyết thắng, là phải thi đấu với hết khả năng của mình, quyết tâm giành chiến thắng. Nhiệt tình nhưng không cay cú, không ác ý. Bạn ngã, ta nâng. Các đồng chí phải cùng các cầu thủ Cuba đá thật đẹp, thật hay chào mừng Quốc khánh 2-9”.
Với tinh thần “Hữu nghị là quyết thắng”, các cầu thủ Thể Công cùng đội tuyển Cuba bước ra sân với sự có mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên khán đài. Sân Hàng Đẫy như muốn nổ tung, khán giả tràn cả ra đường pitch. Và, trận đấu đã để lại cho những người khi đó và thế hệ sau này một hình ảnh, một tấm gương, sự chiến đấu quật cường của đội bóng mặc áo lính.
Hôm đó, các cầu thủ Cuba ép sân ngay từ những phút đầu, với lợi thế vượt trội về thể hình, họ sử dụng những đường bóng dài, bổng khiến các cầu thủ Thể Công phải vất vả chống đỡ. Trời bỗng nhiên đổ mưa xối xả khi còn 15 phút là kết thúc hiệp 1. Trung phong Maso với thể hình, thể lực, khả năng tranh chấp trên không vượt trội đã tận dụng tốt lợi thế sân trơn, bóng ướt để ghi liền hai bàn thắng giúp Cuba có lợi thế trước giờ nghỉ giữa hiệp. Dù mưa to, nhưng khán giả không ai ra về. Họ vẫn hy vọng các cầu thủ Thể Công sẽ làm nên bất ngờ trong một trận đấu quốc tế mà đã lâu họ không được “mục sở thị”.
Hiệp 2, trời tạnh hẳn, sân còn trơn nhưng không đọng nước. HLV Mười Tiền thay đổi chiến thuật đẩy cao đội hình, chơi pressing toàn sân, tấn công tập trung bóng nhiều hơn cho Nguyễn Thế Anh (tức Ba Đẻn). Dường như cách biệt hai bàn đã khiến các cầu thủ Cuba chủ quan, phút 70, Thái Nguyên Bền đi bóng tốc độ xuống sát đường biên và tạt bóng căng ngang khu cấm địa, một bóng áo đỏ Thể Công như mũi tên bay người đánh đầu đưa trái bóng găm thẳng vào nóc lưới. Vào!... Ba Đẻn! Ba Đẻn!... Sân vận động như rung chuyển bởi tiếng reo vang trời, dậy đất của hơn ba vạn khán giả. Cách biệt được rút ngắn xuống 1-2. Và với sự phấn khích của các cầu thủ Thể Công, hàng hậu vệ đội Cuba đã gặp phải nhiều lúng túng. Chỉ năm phút sau đó, Thể Công được hưởng quả phạt đền khi Nguyễn Viết Cầu bị phạm lỗi trong vòng cấm địa. Chuyên gia đá phạt đền Phan Văn Mỵ bình tĩnh bước lên chấm 11m, giúp Thể Công cân bằng tỷ số 2-2. Lại một lần nữa cả Hà Nội như rung chuyển bởi những tiếng hò reo, phấn khích. Khán giả trên sân Hàng Đẫy đứng cả dậy, ôm nhau, nhảy múa trong niềm vui sướng tột đỉnh.
Tràn đầy hưng phấn sau bàn thắng gỡ hòa, các cầu thủ Thể Công như đã quên đi hơn 75 phút căng thẳng, mệt nhọc trước đó, tất cả ào ào khí thế. Và, những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng. Khi trận đấu chỉ còn hai phút, Ba Đẻn nhận một đường chuyền dài vượt tuyến, sau khi đi bóng qua một hậu vệ Cuba, lật nhanh vào trung lộ. Một bóng áo đỏ đã nhanh hơn tất cả, lao vào đệm bóng rất dứt khoát làm tung lưới thủ môn Raynoso. Vào rồi!... Cầu “điên”! Hoan hô Cầu “điên”!... Đó là Nguyễn Viết Cầu, người ấn định tỷ số 3-2 cho Thể Công. Có lẽ khó có thể diễn tả được cảm xúc của các cầu thủ Thể Công cũng như khán giả trên sân lúc đó. Một cuộc lội ngược dòng ngoan cường, kỳ vĩ. Một trận đấu đầy quả cảm của các cầu thủ mặc áo lính, một trận đấu để đời trong ngày Quốc khánh lần thứ 25 của Việt Nam.
Các cầu thủ Thể Công (áo sẫm) tranh bóng cùng tiền vệ Đội tuyển Cuba.
Một trận đấu đầy quả cảm của các cầu thủ mặc áo lính, một trận đấu để đời trong ngày Quốc khánh lần thứ 25 của Việt Nam. |
Nét mặt rạng ngời, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải như sống lại khoảnh khắc đó, ông kể: Từ lúc trận đấu kết thúc cho đến khi chúng tôi về đến “đại bản doanh” ở phố Hoàng Diệu phải mất hơn một giờ đồng hồ dù cho từ sân Hàng Đẫy đến sân Cột Cờ chỉ chừng hai km. Chiếc xe ô-tô chở cầu thủ không thể nhúc nhích được do khán giả vây kín chúc mừng, chúng tôi quyết định xuống đi bộ cho nhanh. Khi đó vẫn quần đùi, áo đỏ chưa thay, mấy anh em đi bộ trông nhếch nhác lắm! Mọi người lao đến trò chuyện cùng chúng tôi, người xách giày hộ, người thì ôm... cứ thế mà đi bộ về. Khi chúng tôi vừa đến ngã tư Nguyễn Thái Học - Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng ngày nay), bỗng dưng không đi được nữa, rất đông người vây kín chiếc xe Vonga của Liên Xô đen bóng loáng, nhưng rất trật tự. Khi đó, cửa kính chiếc xe được kéo xuống, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp vươn người ra ngoài, giơ tay vẫy chúng tôi cùng những người đứng gần. Mọi người tự động giãn ra rất trật tự để từng cầu thủ lần lượt được đến bắt tay Đại tướng ngay tại ngã tư phố. Không hiểu sau lúc đó, tất cả đều đồng thanh “Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Thể Công! Quân của Đại tướng đá hay lắm! Hoan hô, hoan hô!...”.
Đó là hình ảnh rất cảm động và ý nghĩa mà bất kỳ ai tại thời điểm đó, khoảnh khắc đó sẽ không bao giờ quên. Dường như khi đó, Hà Nội không có chiến tranh...
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn hồi ký “Tôi là cầu thủ bóng đá Thể Công” của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải.