Thay đổi để thích nghi

Những thách thức cả chủ quan lẫn khách quan xuất hiện trong hơn một năm qua đã buộc nhiều đơn vị phải thay đổi để thích nghi và tồn tại.
0:00 / 0:00
0:00

Bước vào các cửa hàng Thế giới di động (TGDĐ) hay Điện máy xanh hiện nay sẽ thấy một sự thay đổi khá rõ khi ngoài sự quy củ, bài bản ở những khu sản phẩm iPhone, iPad (của Apple) hay Galaxy (Samsung) còn có tính “tạp hóa” khi phụ kiện, hàng khuyến mãi được bày ở những vị trí bắt mắt. Trên trang chủ của TGDĐ liên tục có thông tin khuyến mãi lớn với tỷ lệ 70-80% giống các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác. Nghĩa là TGDĐ giờ đây không chỉ bán đồ “xịn” mà còn có cả đồ rẻ.

Mới đây, Tiki cũng mở chức năng “Trợ lý cá nhân” dành cho khách hàng, theo đó một số khách hàng của Tiki khi gọi đến tổng đài sẽ được nối máy thẳng với nhân viên chăm sóc khách hàng (CSKH) đã ấn định sẵn. Chức năng này thoạt nhìn có vẻ dành cho khách VIP nhưng thực tế lại trở về bản chất “cá nhân hóa” trước đây, những nhà kinh doanh, nhà bán thay vì thống kê bằng dữ liệu lớn, rồi quy chuẩn bằng công nghệ, hệ thống, thì giờ đây phải quay lại để nắm bắt suy nghĩ của từng khách hàng. Công nghệ có ứng dụng ở đây thì cũng chỉ để phục vụ cho từng yêu cầu nhỏ nhất của khách, bản chất vẫn là kết nối giữa người với người.

Chuỗi Nhà hàng Vua Cua, vốn được biết đến với sự chuyên nghiệp, chất lượng trong các món ăn, mới đây đã mở nhượng quyền cho mô hình “Vua Bánh Canh”, một món ăn truyền thống, gần gũi. Bà Đoàn Thư, Giám đốc điều hành Vua Cua công bố chỉ cần bỏ ra 20 triệu đồng là có thể triển khai mô hình này, sau vài tháng là có thể hoàn vốn. Thương hiệu Xoài sấy Cam Lâm sau một chuỗi các sản phẩm cao cấp, cũng quay lại làm thêm món bánh xoài. Bánh xoài vốn là đặc sản của vùng Cam Ranh (Cam Lâm, Khánh Hòa), trước đây được chế biến theo lối thủ công, nên đôi lúc vấn đề an toàn thực phẩm bị đặt dấu hỏi. Nhưng Giám đốc điều hành Đặng Thế Truyền cho biết, với công nghệ hiện đại của mình, món bánh xoài sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, nhưng vẫn giữ được vị truyền thống quê hương.

Sự trở lại theo xu hướng “bình dân hóa” trong kinh doanh là tín hiệu tích cực cho thấy các thương hiệu giờ sẽ phải tăng độ phủ, độ phục vụ của mình cho mọi nhóm khách hàng để có thể tồn tại và phát triển. Mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, đòi hỏi ngoài quy trình, công nghệ, còn phải có sự thấu hiểu của doanh nghiệp với người tiêu dùng và thị trường.