Xây dựng phố ẩm thực

Con đường ăn uống, hay phố ẩm thực là cách gọi những con đường có nhiều quán ăn, thu hút đông đúc thực khách, và in dấu trong tiềm thức của nhiều người trong thời gian dài.

Phố ẩm thực tạo ra lợi ích kinh doanh cho bên bán, trải nghiệm cho bên mua, nét văn hóa cho địa phương và đóng góp vào ngân sách. Và khi các cơ quan quản lý có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng phố ẩm thực thì chắc chắn sự tích cực đem lại sẽ đa dạng và toàn diện hơn nữa.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phố ẩm thực đã và sẽ hình thành như phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), Hà Tôn Quyền (Quận 11), sắp tới sẽ có phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Những con phố này đã được giới trẻ mệnh danh là “thiên đường ăn uống” từ rất lâu nên khi cơ quan quản lý tham gia xây dựng sẽ hướng đến việc hỗ trợ quảng bá, chuẩn hóa để tạo ra giá trị bền vững.

Một tiêu chí có thể định tính và cả định lượng của phố ẩm thực là lưu lượng xe đông đúc thường xuyên và kẹt xe vào giờ cao điểm, đây cũng là hai mặt của vấn đề. Sự đông đúc có thể tạo ra không khí nhộn nhịp, sôi động mang tính đặc trưng nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến giao thông và để điều tiết hài hòa chắc chắn sẽ cần đến các cơ quan chức năng. Phố ẩm thực thường gắn với các món ăn dân dã, đường phố, trên hết là sự đa dạng để đông người cùng tham gia nên cần những định hướng mang tính chiến lược dài hơi. Thực tế đã cho thấy, có những khu vực phố ẩm thực ban đầu có vẻ hoành tráng và quy củ, nhưng sau một thời gian lại không khác gì so với trước khi được “định danh”. Điều này đồng nghĩa với việc, sự quan tâm đến phố ẩm thực cần dài hơi thay vì chỉ những định hướng ban đầu.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra việc phải gắn sự phát triển của phố ẩm thực với kinh tế đêm và đây là đề xuất hợp lý, có tính dài hạn. Khi kinh tế đêm trở thành một chiến lược quan trọng thì ẩm thực sẽ là một phần quan trọng để thực thi phát triển, nhưng câu chuyện không nên dừng lại như vậy. Thử phân tích vai trò của phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) sẽ thấy những vấn đề thú vị. Thực chất, con phố này có sự “đấu nối” với một con phố ẩm thực khác là Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) và gần với “ngõ ẩm thực” 270 Phan Đình Phùng (phường 1, quận Phú Nhuận. Nghĩa là phố ẩm thực Phan Xích Long nằm trong tổng thể một “hệ sinh thái ẩm thực” nên luôn duy trì được sự quan tâm của cả thực khách lẫn những người buôn bán, tức là “độ hot” của khu này lúc nào cũng có.

Như vậy, những chiến lược phát triển phố ẩm thực sẽ không chỉ tập trung ở hiện tại, ngay tại địa bàn mà còn cả những yếu tố có liên quan, các “vệ tinh” để duy trì, thậm chí gia tăng sự thu hút theo thời gian. Chiến lược sẽ không dừng lại ở một con phố mà phải phát triển thành một hệ sinh thái để các lợi ích đem lại ngày một dồi dào và chia đều cho tất cả các bên.