Startup và bài toán thu nhập

Vận hành để một dự án startup (khởi nghiệp) có thể sống sót và phát triển đã là rất khó, nhưng làm sao để startup có thể “nuôi” được những người sáng lập (founder) và điều hành cũng là một câu chuyện không kém phần nan giải.
0:00 / 0:00
0:00

Chị Hứa Thùy Liên là người sáng lập Công ty Vietpepper, chuyên sản xuất gia vị từ nguồn nguyên liệu sạch, cho biết: “Vietpepper đã hoạt động được khoảng một thập kỷ và doanh số xuất khẩu hiện đã lên đến chục triệu USD cùng 100 nhân viên. Nhưng ở cương vị là Chủ tịch HĐQT và người sáng lập, tôi chủ đích không nhận thù lao và công ty cũng không chia cổ tức, toàn bộ lợi nhuận có được sẽ tái đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu sạch và nâng cao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi đơn giản, nếu không mở rộng năng lực sẽ không thể đáp ứng được các đơn hàng đến mỗi ngày một nhiều hơn. Nguồn thu nhập từ Vietpepper của tôi nếu có sẽ từ việc bán ra một số cổ phần của công ty”.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với dự án startup CamLamOnline với hai dòng sản phẩm/dịch vụ chủ lực là món xoài sấy và du lịch sinh thái vườn xoài cổ của anh Đặng Thế Truyền tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Anh Truyền cho biết, do khởi nghiệp từ con số 0, nên phải liên tục nâng cấp nhà xưởng sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ thị trường. Sản phẩm xoài sấy không chỉ mỗi công ty anh sản xuất, mà còn nhiều đơn vị khác cũng làm nên càng phải đầu tư để tạo ra sự nổi trội cho sản phẩm. Hiện tại, thu nhập của anh Truyền còn đến từ kinh doanh các quán cơm và quán cà-phê, còn các dự án startup, dòng tiền thu về vẫn phải tiếp tục tái đầu tư.

Hai câu chuyện nêu trên là thực tế của nhiều startup, không thất bại, chết yểu đã là tự hào, nhưng có được thu nhập hay lấy được thu nhập từ dự án lại không dễ chút nào. Kể cả một số người sáng lập kiêm nhiệm luôn việc điều hành thì tiền lương hay thù lao cũng không đáng là bao so với công sức bỏ ra, vì với startup thường một người sẽ phải làm nhiều việc, trong đó có cả những việc “không tên”. Một điển hình là trường hợp của Bách hóa Xanh, có thể xem như một startup của Thế giới di động, vì trước đó, đơn vị này chưa bao giờ làm về ngành này. Bách hóa Xanh phải trải qua rất nhiều năm để hòa vốn vào tháng 12/2023. Đáng chú ý là gần một năm trước, CEO Phạm Văn Trọng của Bách hóa Xanh đã chấp nhận làm không lương cho đến khi có hiệu quả. Và cũng chỉ đến khi hòa vốn thì Bách hóa Xanh mới có thể thuận lợi trong việc chào bán cổ phần cho đối tác bên ngoài. Một dự án của một đơn vị có tiềm lực mà còn “chua cay” như vậy huống chi những dự án startup khởi điểm nhỏ hơn, thiếu trước hụt sau, sự khắc nghiệt còn gấp bội.

Đó là lý do dẫn đến những tương đồng trong nhiều startup, đó là phải mở chuỗi, tăng cường nhượng quyền hoặc bán cổ phần vì để dẫn đến kết quả chung là “có tiền” cho người sáng lập. Mục tiêu này là chính đáng vì có đầu tư thì phải đến lúc thu hồi, nhưng tính toán như thế nào cho cẩn trọng, phù hợp lại là một bài toán khó.