Giá trị của truyền thống

Có một thực tế là những mô hình bán lẻ hiện đại như các chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, sau nhiều năm cạnh tranh với các mô hình truyền thống như chợ, cửa hiệu tạp hóa, vẫn không thể “thắng” được, mà trái lại, đang có xu hướng quay về với các giá trị cũ.
0:00 / 0:00
0:00

Đi trên đường qua những cửa hàng như Thế giới di động, Điện máy xanh hay FPT Shop thời gian qua sẽ dễ dàng nhận thấy các đơn vị này tận dụng không gian phía trước mặt tiền của mình để bày bán các sản phẩm gia dụng, điện tử, phổ biến từ nồi niêu, xoong chảo, ly tách, đến pin dự phòng… Đây chính là minh chính tiêu biểu nhất cho sự hào nhoáng hiện đại, cũng phải học theo những mô hình truyền thống.

Mấu chốt của vấn đề là các nhà bán lẻ sẽ phải “trực quan hóa”, thậm chí là “thực dụng hóa” ở mức tốt nhất có thể thay cho những giá trị trải nghiệm có phần không cần thiết trong thời điểm hiện nay. Mua bát ăn cơm, ly uống nước vẫn có thể tạt ngang Điện máy xanh để mua không khác gì ra chợ. Các nhà bán sẽ cố gắng bán bất cứ sản phẩm nào cho người dùng để hiện diện trong tâm trí khách hàng và tạo ra những nhu cầu tiềm năng.

Thực tế thì câu chuyện chợ vắng khách cũng chỉ ở cục bộ một số nơi có phần khép kín, không có không gian mở. Còn lại, những chợ có vị trí thuận lợi vẫn rất đông khách, người mua có thể di chuyển bằng xe máy đến các sạp mua vào hàng rồi tiếp tục di chuyển và thậm chí Bách hóa Xanh có đem cả cửa hàng vào những vị trí này, bán với giá cạnh tranh thì vẫn không thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tiểu thương.

Những vấn đề của mô hình bán lẻ truyền thống như nói thách, chất lượng, thật ra cũng chỉ là một phần và đang theo chiều hướng khắc phục. Bằng chứng rất rõ ràng là các siêu thị mini, hay cửa hàng tiện lợi tưởng như đè bẹp được những cửa hàng tạp hóa, nhưng đến giờ các tiệm tạp hóa, bách hóa nếu biết vận hành vẫn sống rất tốt. Các đơn vị này với một tập khách hàng vừa đủ, vẫn có thể tổ chức giao hàng đến tận nơi cho khách, giá bán bằng, thậm chí thấp hơn so với các nhà bán lẻ lớn. Một điều quan trọng mà các tiệm tạp hóa, hay tiểu thương ở các sạp, chợ làm được mà chắc chắn các hệ thống bán lẻ khó làm được chính là tính cá nhân hóa.

Việc một người nội trợ đến chợ truyền thống mua hàng không đơn thuần chỉ ở yếu tố giá cả, sự tiện lợi, mà còn là sự trải nghiệm và được phục vụ theo hướng cá nhân hóa. Những mặt hàng “độc, lạ” có thể được nhập về theo ý khách hàng mà không phải vướng quá nhiều các quy trình, ràng buộc là một lợi thế lớn của các nhà bán lẻ truyền thống. Nói tóm lại, năm 2024 này cuộc cạnh tranh bán lẻ trên thị trường sẽ không nằm ở yếu tố truyền thống hay hiện đại nữa, mà sẽ ở tính trực quan, thực tế. Ai đem đến nhiều sự tiện lợi nhất cho khách hàng sẽ thắng và tất cả sẽ cùng “học nhau” để tồn tại.