Chức năng mới của mặt bằng

Mới đây, thương hiệu thời trang da cá sấu cao cấp Việt Tín tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), mới khai trương một cửa hàng trưng bày rất hoành tráng tại một khu du lịch lớn.
0:00 / 0:00
0:00

Một điều đáng chú ý là trong thời gian qua, Việt Tín đã phát triển rất mạnh mảng trực tuyến, kể cả những sản phẩm cần phải tương tác trực tiếp. Chẳng hạn sản phẩm giày da, do là người có chuyên môn cao, anh Phạm Văn Ngọc, Giám đốc của Việt Tín đã có cách để trao đổi với khách hàng, lấy kích thước chân phù hợp, và khi hoàn thành sản phẩm thì gửi thẳng đến bất kỳ đâu, kể cả ở nước ngoài.

“Cửa hàng trưng bày không chỉ là nơi để bán lẻ, mà là nơi chúng tôi sử dụng để tiếp đón, trao đổi ý kiến với các đối tác. Thật ra, nhiều khách hàng của chúng tôi mua giày thường xuyên, nhưng đến cửa hàng có khi lại bị ấn tượng với cả túi xách, thắt lưng… và có thể gia tăng chi tiêu. Có thể nói, mặt bằng vẫn luôn cần thiết, vấn đề quan trọng là trước khi mở, phải tính toán tất cả các chức năng có thể khai thác và bám sát mục tiêu này”, anh Phạm Văn Ngọc cho biết.

Anh Thành Long, người sáng lập chuỗi ẩm thực Xôi Làng Nghề chia sẻ: Thực tế với nhiều đơn vị trong ngành ăn uống, nếu định vị tỷ trọng bán hàng qua kênh trực tuyến cao thì mặt bằng phải tương tác, gắn với hoạt động của người giao hàng, hay các đơn vị vận chuyển nói chung. Việc thiết lập mặt bằng lúc này không phải là hướng đến bán lẻ, mà làm sao có thể “nhận đơn, ra đơn” nhanh nhất cho bên giao hàng để đồ ăn đến tay khách hàng nhanh nhất. Điều này liên quan đến cả quá trình tổ chức bếp, quy trình đóng gói đồ ăn, tương tác của nhân viên với bên giao hàng…

Chuyên gia tài chính Bùi Đăng Bảo đưa ra một thí dụ: Một nhân viên văn phòng buổi trưa lên mạng đặt hàng từ một hệ thống bán lẻ có cửa hàng trên đường về nhà. Thay vì hình thức là giao hàng đến tận nhà thì có hình thức khác tối ưu hơn là người mua hẹn một khung giờ để đến lấy hàng về nhà. Trong trường hợp này, cửa hàng có thể là một điểm chuyển tiếp hàng hóa đến khách, và đây cũng là sự phối hợp giữa bán trực tiếp và trực tuyến. Nếu hệ thống bán lẻ có mạng lưới phù hợp để tối ưu hóa theo cách thức này thì có thể phát huy được giá trị các cửa hàng. Từ ý kiến của chuyên gia Bùi Đăng Bảo, có thể thấy một số nhà bán lẻ trực tiếp có, trực tuyến cũng có, đang triển khai các “điểm nhận” dựa trên các mặt bằng sẵn có. Chẳng hạn, Lazada hiện nay ngoài việc giao đến tận nhà, còn gợi ý cho khách hàng một số điểm có thể đến nhận trực tiếp.

Chuyên gia tài chính Bùi Đăng Bảo kết luận: Việc các chuỗi bán lẻ cắt giảm số lượng cửa hàng hiện nay là phù hợp với xu thế chung của thế giới vì tại nhiều quốc gia khác cũng diễn ra xu thế này. Nhưng cũng phải hiểu rõ, mặt bằng vẫn có những giá trị, chức năng đặc biệt, và hiện nay các doanh nghiệp đều hướng đến một số lượng mặt bằng hợp lý để phát huy chức năng của nó.