Kinh doanh theo xu thế

Kinh doanh hay phát triển những sản phẩm xưa cũ, truyền thống nhưng dựa trên các tiêu chuẩn, hiện đại đang là xu thế được nhiều đơn vị khởi nghiệp thực hiện và đem lại nhiều điểm nhấn thú vị.
0:00 / 0:00
0:00

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhà máy sản xuất của thương hiệu thời trang thể thao trong nước OnWays đã hoạt động hết công suất để cho ra mắt sản phẩm áo dài thể thao cho bộ môn chạy bộ. Đây là ý tưởng của CEO OnWays - doanh nhân Nguyễn Thị Kim Xuyến cùng NTK trẻ tài năng Quý Cao với ba yêu cầu quan trọng phải đạt được là tính truyền thống, tính thời trang và chất liệu thể thao. Khi vừa mở đăng ký, sản phẩm đã lập tức cháy hàng dù có giá từ 2-3 triệu đồng/bộ. Bộ áo dài của OnWays với hai mầu đỏ và đen, có thể được tháo ráp thành từng phần và lại cho ra những bộ trang phục, những cách phối đồ khác nhau.

Bốn năm trước, chàng trai trẻ Thành Long đến từ Hà Nội, quyết định khởi nghiệp cửa hàng Xôi Làng Nghề với món chủ lực là xôi xéo tại TP Hồ Chí Minh. Thành Long cho biết, muốn sản phẩm của mình nấu “chuẩn vị” theo làng xôi Phú Thượng ở Hà Nội, như một cách bảo tồn và giới thiệu văn hóa ẩm thực của quê hương mình đến với mọi miền đất nước. Hiện nay, hai chi nhánh của Xôi Làng Nghề tại quận Bình Thạnh và Quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày ngày đều tấp nập khách, nhưng Thành Long vẫn rất thận trọng trong việc phát triển hệ thống. “Bốn năm qua, 90% nguyên liệu chúng tôi đều chuyển từ Hà Nội vào và vợ chồng tôi mỗi ngày đều thay nhau dậy từ 3 giờ sáng để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Và dù cơ hội mở rộng thành chuỗi đã đến từ sớm, nhưng chúng tôi cũng chỉ mới cảm ơn tấm thịnh tình từ các đối tác tiềm năng, chứ chưa đưa ra quyết định. Chúng tôi vốn xuất thân từ những người lao động bình thường và cho đến giờ tôi vẫn đặt mình là một người bán một món ăn truyền thống, thuần túy, chất lượng nhất để phục vụ khách hàng mà thôi”, anh Thành Long cho biết.

Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy điểm mấu chốt khi kinh doanh theo xu thế chính là việc phải tái hiện chân thật được giá trị sản phẩm và xu hướng sẽ phải chậm, chắc chứ không đi nhanh hay chạy theo số lượng lớn. Chị Hứa Liên, Giám đốc thương hiệu bánh mì và cà-phê The Moving Bread & Coffee chia sẻ, khách hàng cần có thời gian để “thẩm thấu” những sản phẩm mang xu hướng xưa cũ, và bên bán cũng cần thời gian để phổ biến dần, đã “cổ” thì không thể “ồ ạt”. Chiến lược của The Moving Bread & Coffee là tái hiện các vị bánh mì đặc trưng của Hội An, Gia Lai, Hải Phòng… cùng vị cà-phê nguyên chất, được trồng từ vườn hữu cơ. Cũng như anh Thành Long, chị Hứa Liên cho biết, nguồn lực mở chuỗi không phải là vấn đề, quan trọng nhất là phải giữ được chất lượng.