Cân đối nghệ thuật và thương mại

Festival nhạc jazz quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 27/4 đến 1/5 tại Nha Trang không phải đại nhạc hội quy mô quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nhưng thông qua sự kiện này, đã đến lúc cần định vị lại vai trò của các lễ hội âm nhạc quốc tế hay các đại nhạc hội sẽ diễn ra trong thời gian tới, nhất là ở khía cạnh thương mại.
0:00 / 0:00
0:00

Tối 26/4, chương trình tổng duyệt cho đêm khai mạc Festival nhạc jazz quốc tế, dù chỉ là “duyệt” nhưng đã nóng hơn bao giờ hết. Sân khấu chính của festival được dàn dựng hoành tráng tại Quảng trường 2 tháng 4, bên bãi biển Nha Trang, đến mức nghệ sĩ piano jazz người Singapore là Amanda Lee đã phải thốt lên “tôi chưa bao giờ được trình diễn tại một sân khấu tuyệt vời thế này”. Đối diện sân khấu phía bên kia đường là khu chợ đêm tấp nập du khách. Chi tiết tưởng chừng không liên quan thực tế lại rất quan trọng vì đại nhạc hội hay các lễ hội âm nhạc cần sự sôi động và đông đúc.

Sự sôi động của buổi tổng duyệt được đẩy lên cao trào khi nghệ sĩ saxophone jazz huyền thoại Chico Freeman (Mỹ) cùng ban nhạc của mình bước ra sân khấu. Tiếng kèn điêu luyện của Chico Freeman cùng giọng ca nữ (vocal) đầy nội lực khi cất lên đã nhanh chóng kéo theo hàng loạt du khách từ khu chợ đêm đổ về để thưởng thức với sự phấn khích và say mê. Và tất nhiên, rất nhiều người dân địa phương đang dạo biển bằng xe máy trên đường Trần Phú cũng nhanh chóng dừng lại, tấp xe lên lề để lắng nghe. Các chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng rất ân cần hướng dẫn người dân làm sao ổn định trật tự để nhanh chóng thưởng thức âm nhạc đỉnh cao.

Nếu có một lễ hội âm nhạc, được tổ chức nhiều ngày, tương tự như festival nhạc jazz quốc tế tại Nha Trang, quy tụ các nghệ sĩ quốc tế và các nghệ sĩ trong nước đạt tầm quốc tế, diễn ra ở một không gian đủ rộng lớn, thuận lợi cho việc di chuyển đến/đi… thì câu chuyện cân đối giữa nghệ thuật và thương mại sẽ không phải là bài toán khó giải. Trong một không gian rộng lớn, nếu có những gian hàng bán đồ lưu niệm chất lượng cao, các sản phẩm âm nhạc, rồi kể cả các loại đồ ăn, thức uống chất lượng, chắc chắn yếu tố cộng hưởng là rất lớn. Và như đã nói ở trên, khi khán giả xem xong những tiết mục trình diễn tuyệt vời, tinh thần phấn chấn, họ có thể chi tiêu thoải mái hơn, và đương nhiên thúc đẩy doanh thu chung cho cả sự kiện.

Thực tế, đã có những lễ hội âm nhạc có tính chuyên môn cao diễn ra tại Việt Nam, tuy nhiên, cần hướng đến những đại nhạc hội với quy mô ở mức rất lớn, rất mở và đa dạng tương tự như Festival jazz ở Nha Trang và cần tính đến cả các yếu tố thương mại để cân đối cả bài toán thu chi. Có như vậy, các lễ hội âm nhạc mới phát triển bền vững, đã đông sẽ ngày càng đông hơn, đông nghệ sĩ quốc tế, đông các chương trình kèm theo và kéo theo một lượng người tham gia kỷ lục. Từ đây, các ngành lưu trú, ăn uống, dịch vụ chắc chắn hưởng lợi.