Bán trên mạng không chỉ để giảm giá

Giảm giá mạnh (sale off) có thể đóng vai trò quan trọng để các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, hay Tiki thu hút khách hàng nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây không còn là lợi thế cạnh tranh duy nhất.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể ví von rằng, các sàn TMĐT kể trên đang vận hành theo cùng một “hệ ngôn ngữ kinh doanh”. Nếu mua hàng trên cả ba sàn sẽ thấy tính tương đồng rất cao từ khi “chốt đơn”, sau đó sẽ là thông báo quá trình đóng gói, vận chuyển, chi tiết đến kho nào, rồi khung giờ nào sẽ giao đến khách hàng… Đây là xu hướng tất yếu, không thể khác được và bất cứ “tay chơi” nào muốn gia nhập TMĐT cũng sẽ phải tuân thủ luật chơi.

Thử lấy trường hợp của Thế giới di động (TGDĐ) làm thí dụ, khi tập đoàn bán lẻ này trong khoảng chục năm qua đã đặt rất nhiều tham vọng trong việc tham gia TMĐT hay gia tăng doanh số, nhưng thực tế không hề đơn giản. Năm 2016, TGDĐ lên kế hoạch và chính thức mở bán trên trang TMĐT Vuivui.com với kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc trong các năm tiếp theo, chỉ hơn một năm sau đã phải đóng cửa. Cần nhấn mạnh vào thời điểm đó, Vuivui.com bán hàng hóa rất chất lượng, ngoài những sản phẩm điện máy, điện tử thì ngành hàng tiêu dùng, bách hóa cũng tạo thiện cảm tốt cho người mua. Chính sách chăm sóc khách hàng cũng áp theo tiêu chuẩn TGDĐ, vốn được đánh giá cao từ trước đến nay. Nhưng rõ ràng là hạ giá sản phẩm tốt không phải lúc nào cũng thành công.

Hiện nay, nếu đặt hàng trên website Thế giới di động thì đồng thời các thông báo về đơn hàng sẽ xuất hiện trên ứng dụng (app) “Quà tặng VIP”, nhưng mức độ cập nhật sẽ không thể chi tiết như các sàn TMĐT kia. Việc “khác ngôn ngữ” chắc chắn sẽ là thách thức lớn cho nhà bán lẻ này nếu vẫn tìm cách đẩy mạnh kênh trên mạng của mình. Còn nếu trong trường hợp vẫn khác biệt, không hạ giá thì việc tham gia TMĐT phải có yếu tố “độc lạ” hoặc “tiện lợi” nổi trội, mà câu chuyện mua vé tàu hỏa có thể là dẫn chứng tiêu biểu.

Nói đến “tàu hỏa” nhiều người có thể nghĩ đó là phương tiện truyền thống, dù an toàn nhưng sẽ không quá nhanh, khó có thể bằng xe hơi trên đường cao tốc hay máy bay. Nhưng đó là tốc độ di chuyển, còn website bán vé của ngành đường sắt có thể nói hiện đang mang lại sự tiện lợi bậc nhất nếu so với nhiều đơn vị khác, thậm chí là khác ngành. Hiện nay, ngoài mua vé trực tiếp trên website dsvn.vn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vốn được xây dựng bởi “ông lớn” công nghệ trong nước là FPT, người dùng còn có thể mua thông qua ví điện tử, chẳng hạn như Momo. Nhưng điều độc đáo nhất ở đây là kể cả mua trên Momo, nếu có nhu cầu trả vé thì thao tác chỉ cần qua vài bước, chưa đến 1 phút thì tiền lập tức trở lại tài khoản của khách hàng. Sự thuận tiện này là một điểm cộng rất lớn trong việc tiếp cận khách hàng. Kể cả những khách hàng trẻ, thế hệ gen Z chưa chắc đã quen với việc đi tàu hỏa thì sự tiện lợi của website này sẽ giúp cho ngành đường sắt mở rộng tệp khách hàng thuận lợi hơn.

Nói tóm lại, để có thể gia nhập và phát triển thị trường TMĐT, hiện nay dù nhiều thuận lợi, thì những người chơi, hoặc phải “nói” được theo những ngôn ngữ tốt nhất của môi trường này, hoặc phải có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt giống như Đường sắt Việt Nam và FPT đã thực hiện.